Phim Việt lai căng

Đó là những bộ phim Việt nhưng không mang lại cho khán giả cảm giác quen thuộc, bởi những phim này lai kiểu Hàn Quốc, Trung Quốc… Chỉ một số phim với sự bắt chước khó chấp nhận đã khiến cho phim truyền hình Việt bị mang tiếng oan và đi dần đến chỗ chỉ còn một bộ phận khán giả đến với phim Việt…

Rập khuôn... ngoại

Kể từ khi phim Hàn Quốc phổ biến trên sóng truyền hình, khi nhiều nhà sản xuất phim Việt quyết định chuyển thể những kịch bản phim Hàn nổi tiếng thành phim Việt, thỉnh thoảng khán giả truyền hình Việt Nam lại phát hiện những bộ phim Việt Nam có những nhân vật như được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc: Những chàng giám đốc với những kiểu tóc đặc trưng của Hàn, xù xù, che một mắt, dáng gầy gầy cao cao, mặt mũi lạnh lùng, bất cần đời, thất tình thì uống rượu và khóc; những cô học sinh trung học phổ thông với đủ kiểu tóc cột kẹp nơ cao nhổng; những cô nàng chán đời hở chút là ngồi quán bar uống rượu; bà mẹ chồng cay nghiệt đến tận cùng của sự phi lý… Những cái tên cũng được Trung Quốc hóa nào là Uy Long, Ẩn Lan… Riêng với thể loại phim lịch sử, cổ trang thì điều tiếng nhiều nhất lại từ y phục cho đến những màn đánh đấm rập khuôn Trung Quốc.

Cảnh trong phim Sắc đẹp và danh vọng.

Không chỉ các nhân vật đội lốt Hàn mà cả bối cảnh của nhiều phim Việt cũng đang bắt chước na ná phim Hàn. Toàn những cảnh các gia đình giàu có với xe hơi, biệt thự, các nhân vật với chức danh tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị trong những công ty gia đình.

Một khán giả phản ánh: “Mấy năm gần đây, chẳng hiểu căn cơ nào mà phim truyện Trung Quốc và Hàn Quốc tràn ngập sóng truyền hình Việt Nam. Cái giọng của người chuyển âm buồn tẻ và đều đều như cái máy cassette làm tôi muốn ngủ chỉ sau 5 phút xem qua. Những cách nói (hay chuyển ngữ) lai căng, Việt không ra Việt, Trung Quốc chẳng phải Trung Quốc làm bất cứ ai có chút tự trọng dân tộc đều phải bực mình.

Nét đặc biệt của tiếng Việt khác với các ngôn ngữ khác là có thanh điệu, thật khó chịu khi những nhân vật trong phim cứ nói một giọng đều đều và cuối mỗi câu lại kéo dài ề à. Nghe không khác những bộ phim Trung Quốc của TVB được lồng tiếng Việt trước đây.

Để phim Việt đúng chất Việt

Mô típ “hoàng tử - lọ lem” dường như đang phổ biến. Toàn những chàng giám đốc hoặc công tử con nhà giàu yêu những cô gái xuất thân nghèo khổ, là người giúp việc trong nhà, gái quê, công nhân… Ban đầu khinh khi, miệt thị sau đó si mê cuồng nhiệt. Đối thủ trên thương trường hay mối thù truyền kiếp giữa các gia đình cũng là một mô típ được nhiều bộ phim Việt khai thác. Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ nhưng các nhân vật lên phim lại chỉ một màu. Hiền thì hiền đến bạc nhược, ngốc nghếch; ác thì ác dã man, tàn nhẫn. Một cô người mẫu bị phát hiện ăn cắp dây chuyền của bạn diễn, ban đầu cãi bay cãi biến, sau khi nghe nói sẽ gọi công an đến liền rút sợi dây ra, ném toẹt xuống đất, vênh mặt lên bỏ đi, không quên cố tình huých vào người nạn nhân. Một chàng trai chăm sóc một cô gái bị bệnh và vô tình ngủ quên bên giường bệnh, sau đó đã phải làm đám cưới vì “nam nữ thụ thụ bất thân” mà sao dám… ngủ với nhau! Những “nỗi oan Thị Mầu” chỉ cần một lời giải thích là xong nhưng các đạo diễn lại luôn cho nhân vật ngậm hột thị… chẳng hiểu tại sao. Những chi tiết phi lý như thế lại nhan nhản trong phim. Có thể kể tên một loạt phim bị dư luận mổ xẻ thời gian qua như Hai gia đình, Xin lỗi tình yêu, Hợp đồng hôn nhân, Sắc đẹp và danh vọng…

Văn hóa Việt, tâm hồn Việt đang bị thay thế bởi văn hóa ngoại lai. Phong tục, tập quán làm nên văn hóa song chính phong tục, tập quán, lối sống Việt lại bị các nhà làm phim bỏ quên bên ngoài khung hình.

Khán giả xem phim Việt mà thấy lạ lẫm với tính cách, lối sống của các nhân vật Việt trong chính phim Việt. Có lẽ đã đến lúc những người chịu trách nhiệm kiểm duyệt, thẩm định nội dung phim cần nghiêm khắc hơn để phim Việt đúng chất Việt.

Nguồn Báo SGGP Online