Theo Bộ GD-ĐT, trong thực tế, một số cơ sở giáo dục và Ban đại diện cha mẹ học sinh tự ý thu thêm một số khoản tiền của người học ngoài quy định của nhà nước; sử dụng tiền thu không đúng mục đích, không tuân thủ những yêu cầu về công khai, minh bạch; một số nơi sử dụng các hình thức vận động và thu tiền gần như ép buộc cha mẹ học sinh phải đóng góp để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp và các hoạt động của nhà trường. Điều này đi ngược với nguyên tắc tự nguyện và gây bức xúc trong xã hội.
Để giúp Bộ có thông tin đầy đủ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ yêu cầu các địa phương báo cáo gấp về Bộ tình hình thu, chi đầu năm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn và việc chỉ đạo, kiểm tra của các cơ quan quản lý giáo dục.
Báo cáo cần nêu rõ tình hình ban hành và thực hiện quy định về mức thu học phí mới, nếu chưa ban hành mức học phí mới thì nêu rõ lý do, vướng mắc và kiến nghị.
Đồng thời báo cáo tình hình thực tế về các khoản thu ngoài học phí, lệ phí theo các nhóm như: các khoản thu hộ (bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, quỹ đoàn, quỹ đội, khuyến học, chữ thập đỏ); các khoản thu có tính chất thỏa thuận (học 2 buổi/ngày, nước uống, ăn trưa, chăm sóc bán trú, đồ dùng cá nhân (với học sinh bán trú), học phẩm, đồng phục học sinh, giấy in đề kiểm tra, mua vở viết, hỗ trợ dạy và học, an ninh trường học, lao động, vệ sinh, hỗ trợ các môn năng khiếu, hỗ trợ học nghề, thuê sân bãi tập thể dục …); các khoản thu để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp gồm: Hỗ trợ xây dựng phòng học, các phòng chức năng, mua máy vi tính, sửa chữa nhỏ trong trường lớp, mua cây xanh, mua máy chiếu đa năng, mua máy điều hòa nhiệt độ; Quỹ cha mẹ học sinh...
Các địa phương cũng cần báo cáo rõ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở giáo dục có tình trạng lạm thu, chi tiêu sai mục đích không công khai, minh bạch … Nêu rõ số lượng cơ sở giáo dục đã được kiểm tra, số cơ sở có vi phạm được xử lý; số lượng kinh phí, hiện vật được trả lại cho cha mẹ học sinh; số trường hợp bị xử lý kỷ luật, hình thức xử lý kỷ luật nếu có.
Ngoài ra, để từng bước khắc phục tình trạng thu góp không đúng quy định trong các cơ sở giáo dục và tiến tới chấm dứt tình trạng này, Bộ cũng đề nghị các sở GD-ĐT đề xuất, tham mưu giúp UBND các tỉnh, thành rà soát để điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy định về việc thu, chi trong các cơ sở giáo dục, tham mưu giúp UBND các cấp quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là phải bố trí đủ kinh phí chi thường xuyên đảm bảo cơ cấu tối đa 80% chi lương và các khoản có tính chất lương và tối thiểu 20% để chi giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường.
Bộ cũng đề nghị Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo UBND các quận , huyện, thị xã và các ngành có liên quan quán triệt và hướng dẫn đầy đủ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về các khoản thu, chi trong trường học, đồng thời chủ động kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm theo thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những trường hợp cố tình vi phạm các quy định của nhà nước về thu chi trong các cơ sở giáo dục.
Trước đó, vào cuối tháng 8, khi chuẩn bị khai giảng năm học mới, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, trong đó có đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, lạm thu là một trong vấn đề nóng được đại biểu Quốc hội nêu ra để chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.
Mới đây nhất, Bộ GD-ĐT đã ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, trong đó yêu cầu Ban đại diện không được quyên góp các khoản tiền dùng để xây dựng, hỗ trợ cơ sở vật chất của nhà trường.
Nguồn Báo SGGP Online