Nỗ lực dự trữ hàng hóa
Vào thời điểm này, hầu hết các địa phương đều đã hoàn tất việc dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán. Tại TPHCM, như Báo SGGP đã phản ánh, lượng dự trữ hàng tết rất dồi dào. Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, các mặt hàng như gạo, thịt gia súc, gia cầm, trứng… được các doanh nghiệp dự trữ tăng gấp 3-4 lần so với lượng hàng được giao, chiếm 30% - 40% nhu cầu thị trường, sẵn sàng phục vụ Tết Nguyên đán. Tổng nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa tết hơn 5.500 tỷ đồng, trong đó vốn chuẩn bị cho hàng bình ổn gần 3.000 tỷ đồng. Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Sài Gòn Co.op sẽ mở thêm các cửa hàng phục vụ tết; mở nhiều chuyến hàng lưu động để đưa hàng đến khu nhà trọ công nhân, ký túc xá, khu lao động, vùng ven của TP.
Sản xuất hàng bình ổn giá phục vụ tết tại Công ty Vissan. Ảnh: Thanh Tâm
Theo bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, tổng lượng hàng được dự trữ trong dịp tết khoảng 24.000 tấn với số vốn 2.800 tỷ đồng, trong đó lương thực 9.000 tấn; 7.000 tấn thịt gia súc gia cầm; 1.000 tấn thực phẩm chế biến và 7.000 tấn rau củ quả.
"Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đủ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là về lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá; tăng cường thông tin, tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng tăng giá do tâm lý"
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hiện lượng hàng hóa tết đã được chuẩn bị đầy đủ và đang tập kết về các trung tâm phân phối. Với những mặt hàng không dự trữ được như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, Co.opMart đã lập xong kế hoạch ứng vốn cho các nhà vườn, các HTX sản xuất… sau đó hàng hóa được chuyển dần về hệ thống.
Trong năm 2011, Co.opMart đã ký Thực hành sản xuất tốt cùng dự án Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC). Thông qua thỏa thuận này, chất lượng nông sản kinh doanh tại hệ thống siêu thị Co.opMart luôn được đảm bảo từ khâu thu mua, phân phối đến sơ chế, đóng gói và bảo quản. Cũng theo bà Hạnh Thu, hàng sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ 95% các mặt hàng kinh doanh mùa tết năm nay.
Tại Hà Nội, đến nay Sở Công thương Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ các dịp lễ, tết sắp tới. Trong đó, riêng tháng tết, lượng hàng hóa luân chuyển dự kiến đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 20%-21% so với các tháng khác trong năm.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết, Hà Nội đã lên kế hoạch chuẩn bị hơn 65.000 tấn lương thực cho tháng tết. Nguồn cung cho khu vực nội thành là các đại lý, mạng lưới của Tổng công ty Lương thực miền Bắc và các đơn vị thành viên, các hộ kinh doanh lẻ tại các chợ, khu dân cư (ở khu vực nông thôn, phần lớn người dân tự túc hàng hóa).
Việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán cũng như dịp lễ Noel, Tết Dương lịch của Hà Nội được giao cho các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp này phải đảm bảo dự trữ lượng hàng gấp đôi số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được thành phố tạm ứng. Ban quản lý các chợ, làng nghề cũng có trách nhiệm chỉ đạo các hộ kinh doanh chuẩn bị sẵn các mặt hàng: thịt trâu bò, thịt heo, thịt gia cầm, rau củ quả… thực hiện văn minh thương mại.
Sở Công thương Hà Nội nhận định, thời điểm cuối năm thị trường còn có nhiều yếu tố biến động khiến giá cả nhiều mặt hàng có thể tăng như: giá thế giới có xu hướng tăng trở lại, lạm phát gia tăng ở nhiều nước, thiên tai làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa tại một số địa phương. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ nỗ lực cung cấp hàng hóa đầy đủ, ổn định thị trường để giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tết Nhâm Thìn (tháng 1-2012) tăng ở mức thấp nhất.
Trong khi đó, tại Hải Phòng, từ tháng 9 đến nay, thị trường hàng hóa có nhiều biến động tích cực, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được cải thiện, giá tương đối ổn định. Để kiềm chế được đà tăng tốc của giá cả dịp cuối năm, Hải Phòng xác định giải pháp quan trọng là kiểm soát giá cả thị trường. Các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã triển khai tăng cường kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về niêm yết giá, buôn lậu, gian lận thương mại... để giữ cho môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa tốc độ CPI về tầm kiểm soát (CPI của Hải Phòng tháng 11 chỉ tăng 0,27%).
Tăng cường các giải pháp ổn định giá
Theo các DN, cho đến nay công tác chuẩn bị hàng tết đang diễn ra khá thuận lợi. Hàng hóa năm nay rất dồi dào, đa dạng về bao bì, mẫu mã. Ở nhóm hàng gia dụng và trang trí nhà cửa rất phong phú, đa dạng, ưu thế nghiêng về hàng trong nước.
Người dân mua hàng bình ổn giá tại một cửa hàng Vissan. Ảnh: Cao Thăng
Mặc dù giá cả trong những tháng vừa qua đã có sự ổn định, song thực tế từ nay đến cuối năm 2011 vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố có nguy cơ đẩy giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong đó có sự bất ổn trong khâu tổ chức lưu thông, phân phối hàng hóa. Đặc biệt sự chi phối của giới tư thương có thể đẩy một số mặt hàng thực phẩm tăng cao vào dịp tết.
Việc ổn định giá cả từ nay đến cuối năm hết sức quan trọng để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 18% cả năm như Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất. Để làm được điều này, các bộ ngành, chính quyền địa phương các cấp phải nỗ lực triển khai các biện pháp điều hành và giải quyết khó khăn để đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là không để sốt giá trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán.
Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với việc dự trữ hàng hóa tết, kiểm soát hệ thống phân phối lưu thông, một trong biện pháp cần được thực hiện ráo riết trong dịp này là tăng cường thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán của tiểu thương, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của nhà nước về đầu cơ, liên kết độc quyền, lợi dụng nhu cầu tăng cao trong dịp lễ tết để trục lợi bất chính. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin để người dân tăng cường mua hàng hóa ở các điểm bán hàng bình ổn giá, các siêu thị có tham gia chương trình bình ổn thị trường để tránh bị tư thương “chặt chém” vô tội vạ.
Trong hoàn cảnh hiện nay, mỗi người dân có thể bằng hành động cụ thể của mình góp phần đồng hành cùng Chính phủ kiềm chế giá cả, vì lẽ “lạm phát tâm lý” có vai trò rất quan trọng góp phần đẩy lạm phát tăng cao. Hơn bao giờ hết, trong thời điểm nhạy cảm về giá cả này, người dân cần cảnh giác với những thông tin thất thiệt, chống nạn đầu cơ thổi giá trong những lĩnh vực nhạy cảm như mua bán vàng, ngoại tệ cũng như các hàng hóa thiết yếu khác.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, tại cuộc họp tổ điều hành thị trường mới đây, điều các địa phương lo lắng nhiều là nguồn thực phẩm, thịt heo và rau củ trong dịp trước và sau tết có thể khan hiếm, bởi đây là những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến thị trường. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT khẳng định nguồn cung thịt heo không đáng ngại vì đến hết tháng 11, tổng đàn heo trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10.
Bên cạnh đó, lượng gia cầm cũng tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so với tháng trước, nguồn thịt trâu, bò cũng đảm bảo đủ cho nhu cầu tết. Nguồn cung gạo cũng không đáng lo, bởi lượng lúa cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đáp ứng đủ (sau khi đã dành xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo).
Theo dự báo của một chuyên gia thị trường, giá nhiều mặt hàng hiện đang đứng ở mức cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức cầu trong dịp tết sắp tới. Nhiều khả năng sức mua sẽ khó tăng ở mức 30% như những năm trước đây.
Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần lưu ý đến việc tiết giảm chi phí, thậm chỉ chấp nhận giảm lãi để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng và giá thành hợp lý. Đây là cơ sở để kích cầu tiêu dùng, đảm bảo doanh thu trong mùa kinh doanh cao điểm tết.
Nguồn Báo SGGP Online