Sẽ đối thoại về tái cơ cấu
Bà Victoria Kwakwa-Giám đốc quốc gia WB cho biết, CG tới đây lần đầu tiên chúng tôi mời các chuyên gia nước ngoài thảo luận những kinh nghiệm nhằm giúp VN có cái nhìn toàn diện về cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế.
Việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh động đã giúp lạm phát của Việt Nam hạ dần.
"Tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tài chính - ngân hàng... sẽ là những lĩnh vực đối thoại chính giữa VN và các nhà tài trợ trong kỳ họp này"-bà Victoria Kwakwa nói.
Ngoài ra, các nhà tài trợ cũng sẽ bàn thảo với VN các vấn đề giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội trong bối cảnh khó khăn, trong đó có một phần về đối thoại chống tham nhũng...
Theo bà Victoria Kwakwa, CG tại VN đang ngày càng chuyển trọng tâm sang "đối thoại với VN" hơn là bàn về việc VN sẽ nhận được bao nhiêu vốn tài trợ ODA từ các đối tác phát triển.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng, VN hiện nay đã không còn lệ thuộc quá nhiều vào vốn ODA, thay vào đó, những đối thoại, trao đổi cởi mở giữa VN và các nhà tài trợ nhằm chia sẻ kinh nghiệm để kinh tế VN phát triển ổn định, hòa nhập với thế giới mới là điều thiết thực hơn.
Theo đánh giá của WB, VN hiện là một trong số ít những nước vẫn có sự tăng trưởng mạnh, thu hút được vốn đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. GDP của VN năm nay dự báo sẽ tăng trưởng 5,8%.
Nghị quyết 11 của VN bắt đầu đem lại hiệu quả khi lạm phát tại VN đang giảm dần, từ 23% dự báo xuống dưới 19% và xu hướng này còn tiếp tục trong năm 2012. " Chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp kiềm chế tăng trưởng tín dụng, cung tiền và giúp giảm lạm phát của VN"-ông Deeepak Mishra-chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại VN nói.
Lạm phát sẽ hạ
Tại cuộc họp này, ông Deeepak Mishra khẳng định, thực hiện tốt các chính sách, tăng trưởng kinh tế của VN năm 2012 có thể đạt tới 6% và lạm phát của VN sẽ giảm xuống một con số.
Minh chứng cho nhận định này, ông Deeepak Mishra nói: "Hiện thâm hụt thương mại của VN đang giảm dần, cán cân ngoại tệ cũng được cải thiện, từ 14,5% năm 2007 giảm còn 14,2% năm 2008, còn 8,9% năm 2009, còn 6,9% năm 2010 và dự kiến 2011 là 5,8% do kiều hối và xuất khẩu.
FDI của VN mặc dù giảm 22% trong 10 tháng đầu năm nay song đã có sự chuyển dịch vốn từ bất động sản sang sản xuất. Trong bối cảnh suy giảm vốn toàn cầu, VN vẫn còn là đích đến của nhiều nhà đầu tư FDI”.
Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế và tăng trưởng, các chuyên gia của WB cho rằng, VN cần nỗ lực giảm chi tiêu, hiện chi tiêu thường xuyên và đầu tư của VN vẫn cao, chi tiêu công vẫn chưa giảm như kỳ vọng; nợ nước ngoài vẫn chiếm 42% GDP. Rủi ro tiềm tàng vẫn lớn do tăng tín dụng, lãi suất cao và quản lý rủi ro tiền tệ yếu...
WB cho rằng: "10 năm qua VN đã đổi mới thành công, VN cần dũng cảm hơn nữa trong áp dụng các thể chế kinh tế thị trường trong cải cách hiện nay để kinh tế phát triển tốt hơn. Các chính sách tiền tệ, tín dụng đã thực thi tốt nhưng chính sách tài khóa vẫn chưa làm hết trách nhiệm...; nếu cải cách tốt điều này, lạm phát của VN sẽ giảm mạnh, kinh tế sẽ ổn định và tăng trưởng như kỳ vọng trong năm tới"- ông Deeepak Mishra nói.
Nguồn Dân Việt