Trong phiên trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 2 quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thẳng thắn, nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế của ngành nông nghiệp, trong đó đề cập rõ những vướng mắc trong tiêu thụ sản phẩm, đầu tư cho nông nghiệp và những vấn đề liên quan tới công tác giống, khoa học kỹ thuật…
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định cần phải tăng đầu tư công cho khu vực nông nghiệp nông thôn trong thời gian tới. Rõ ràng chủ trương, chính sách hướng đến người nông dân luôn được Đảng và Chính phủ quan tâm chú trọng, song làm thế nào để những chủ trương, chính sách này đi vào cuộc sống, đồng hành cùng người nông dân lại không hề đơn giản, khi xưa nay nhà nông dân vẫn phải tự “bơi” một mình.
Năng suất tăng, sản lượng tăng, thế nhưng nông dân vẫn nghèo!. Ảnh minh hoạ
Phải nói rằng, sản xuất vụ đông luôn được coi là vụ sản xuất mang lại thu nhập cao cho người dân, giúp họ cải thiện đời sống và có nguồn thu đón Tết. Do vậy, vụ sản xuất này thường được người nông dân hào hứng tham gia. Ấy vậy mà năm nay vụ đông cả nước lại chưa đạt một nửa kế hoạch đề ra.
Lý do một phần được lý giải là do lịch thời vụ muộn hơn so với mọi năm, song đây chỉ là nguyên nhân thứ yếu. Sâu xa của vấn đề vẫn là hiệu quả kinh tế. Diện tích vụ đông toàn quốc giảm 50%, nhiều vùng rau màu bạt ngàn giờ chỉ còn lại một màu bạc phếch. Vĩnh Phúc là địa phương luôn đi đầu cả nước với những chính sách hỗ trợ nhà nông tích cực. Vụ đông này, tiền giống, công làm đất, tưới tiêu đều được chính quyền hỗ trợ, vậy mà nông dân vẫn bỏ ruộng già nửa diện tích.
Trong một loạt các ngành nghề khác, sự lựa chọn của người nông dân lại không phải là làm ruộng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, những cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa hấu, bí đỏ có thể cho thu lãi 2-2,5 triệu đồng/sào trong vòng 80 ngày. Đây là con số tưởng như lý tưởng của nhà nông, ấy vậy mà, tính đi tính lại cũng không bằng công đi làm phu hồ. Vậy là đất bỏ hoang!
Thực trạng này là hệ quả tất yếu từ những bất cập nảy sinh từ thực tiễn sản xuất đã khiến nông dân buộc phải bỏ ruộng. Nhìn nhận lại sản xuất nông nghiệp suốt thời gian qua đều cho thấy, hiệu quả kinh tế thấp, lao động nặng nhọc, rủi ro cao. Nhiều năm dài nông nghiệp đạt kỳ tích trong xuất khẩu gạo và các loại nông sản khác.
Năng suất tăng, sản lượng tăng, thế nhưng nông dân vẫn nghèo. Nghèo vì hễ cứ trúng mùa thì mất giá, mà mất mùa cũng mất giá, giá xuất khẩu luôn ở mức thấp, nông sản xuất khẩu thô, không có thương hiệu. Nông dân nghèo vì được hưởng quá ít trong chuỗi lợi nhuận từ sản phẩm xuất khẩu; nông dân nghèo vì giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật năm nào cũng tăng; mọi mặt hàng nhu yếu cần dùng đều tăng đến chóng mặt; nông dân nghèo vì sản xuất nhỏ lẻ đất đai manh mún…
Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân được đề ra với nhiều chính sách hướng về nông dân song thật khó đi vào cuộc sống và trên thực tế người nông dân lại không được hưởng lợi là bao! Cơ giới hóa trong khâu sản xuất và thu hoạch nông sản được đề ra hơn hai chục năm nay nhưng máy móc để phục vụ cơ giới hóa lại không có. Những người nông dân “phổ thông” buộc phải thay nhà khoa học chế tạo máy cày, máy cấy, máy gặt đập, máy tách vỏ lạc, vv…Và khi thành công thì mỗi nông dân đơn lẻ đó lại phải cạnh tranh sản xuất thủ công của mình với những hãng máy móc nổi tiếng để rồi thất bại là tất yếu.
Khâu tiêu thụ nông sản cũng được quan tâm khi Chính phủ đề ra quyết định 80/QĐ-TTg tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, thế nhưng thực tế 9 năm qua không làm đươc. Phần lớn các mặt hàng nông sản xuất khẩu hiện nay được tiêu thụ thông qua độc quyền của các Hiệp hội ngành hàng. Lúa gạo thông qua Hiệp hội lúa gạo, cà phê thông qua hiệp hội cà phê-ca cao. Đây là khâu đáng lo ngại nhất khi chuyện lỗ-lãi của nông dân bị định giá bởi “luật” giá sàn.
Việt Nam có nhiều nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, thủy sản… thế nhưng 90% xuất dưới dạng thô, giá rất rẻ so với mặt hàng cùng loại của các nước khác. Lợi nhuận từ nông nghiệp rẻ mạt đang khiến người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng và càng dễ hiểu khi họ không muốn tương lai con cái họ sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi khi gắn bó với ruộng vườn.
Cho đến bây giờ, sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn lúng túng với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” thì người nông dân vẫn mãi phải tự “bơi” một mình. Điều hành xuất khẩu với những mặt hàng mang tầm quốc gia như lúa gạo phải trực tiếp do Chính phủ chỉ đạo, không thể cứ để tình trạng bị chi phối bởi các hiệp hội ngành hàng. Việc dự báo giá gạo, phân tích thị trường đã yếu kém, lại cộng thêm sự thiếu trầm trọng kho bãi thì làm sao có thể trữ hàng để chủ động điều tiết giá cả?!
Một quốc gia đứng vị trí gần như quán quân về xuất khẩu gạo mà định hướng cơ cấu giống ra sao, giải bài toán giá lúa như thế nào cho nông dân có lợi vẫn chưa rõ ràng thì đúng là đang để nông dân ra biển lớn bằng chiếc xuồng ba lá!.
Nguồn Báo điện tử Đài TNVN