Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nhâm Thìn, hiện đã có 30 địa phương dự kiến sẽ triển khai chương trình bình ổn giá, trong đó 17/30 địa phương đã báo cáo kế hoạch cụ thể.
Chế biến cá tra tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Cao Thăng
Ở TPHCM đến thời điểm này, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường TPHCM đã chuẩn bị được nguồn hàng khá lớn với tổng vốn lên đến 3.464 tỷ đồng. Ngoài hơn 20 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường của UBND TPHCM đã dự trữ được lượng hàng (chiếm khoảng 30-50% thị trường), nhiều doanh nghiệp khác cũng đã chuẩn bị lượng hàng lớn để cung ứng cho thị trường dịp Tết.
TP Hà Nội hỗ trợ cho vay 430 tỷ đồng với lãi suất 0% cho một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình bình ổn thị trường dịp Tết đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vốn vay phải đáp ứng 15% lượng hàng bình ổn giá. TP Hà Nội cũng đã ký với 7 tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ cung cấp hàng nông sản, thực phẩm vào dịp Tết.
Ngoài ra, TP Hà Nội cũng hỗ trợ 4 tỷ đồng để tổ chức trung tâm bán hàng Tết, mở 100 điểm vàng bán hàng từ nay đến Tết Nguyên đán.
Tại cuộc họp tổ điều hành thị trường mới đây, điều các địa phương lo lắng nhiều đó là nguồn thực phẩm, thịt lợn và rau củ trong dịp trước và sau Tết có thể khan hiếm, bởi đây là những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Về vấn đề này Bộ NN&PTNT cho hay nguồn cung thịt lợn không đáng ngại vì đến hết tháng 11, tổng đàn lợn trên cả nước tăng 4,4% so với tháng 10. Bên cạnh đó, lượng gia cầm cũng tăng mạnh, khoảng 335 triệu con, tăng 4,7% so tháng trước, nguồn thịt trâu, bò cũng đảm bảo đủ cho nhu cầu dịp Tết.
Nguồn cung gạo cũng không đáng lo bởi lượng lúa cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đáp ứng đủ (sau khi đã dành xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo).
Về mặt hàng đường kính để sản xuất bánh kẹo, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam Hà Hữu Phái cho biết hiện toàn bộ các nhà máy đường đã vào vụ sản xuất cũng với lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch trong tháng 10 nên nguồn cung được cải thiện.
Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, kiểm sóat thị trường, thanh trá giá, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt đối với các mặt hàng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo thị trường lành mạnh, cung cầu hànghóa ổn định.
Các doanh nghiệp được yêu cầu phải tổ chức tốt mạng lưới phân phối nhằm kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa trong lưu thông, chuẩn bị tốt nguồn hàng hóa nhằm cung ứng kịp thời, đầy đủ tới tay người tiêu dùng, nâng cao năng suất chất lượng giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa mẫu mã tăng khả năng canh tranh và thay thế hàng nhập khẩu.
Nguồn Báo SGGP Online