(NTO) Trong đó chỉ số nhóm hàng hóa tăng 0,95% và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 0,09%. Như vậy, nếu so với tháng 12/2010 chỉ số CPI đã tăng 18,57% và bình quân 11 tháng năm 2011 so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng 19,37%.
Nhìn chung, trong tháng 11 giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas, sắt thép xây dựng,…có chiều hướng ổn định và giảm. Tuy nhiên, giá một số mặt hàng lương thực - thực phẩm có xu hướng tăng cao do nguồn cung ít. Đây là tác nhân quan trọng làm cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2011 của tỉnh tăng so với tháng trước. Cụ thể như sau: chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,48%. Trong đó giá lương thực tăng 3,88% chủ yếu là giá gạo tăng 4,51%. Nguyên do là các thương lái thu gom lúa, gạo để xuất khẩu đã làm cho giá gạo tăng cao, lương thực chế biến tăng 1,37%. Giá thực phẩm tăng 1,15% là do nguồn cung ít đã làm cho thủy sản tươi sống tăng 1,84%, thủy sản chế biến tăng 1,21%. Mặc khác, với những đợt mưa kéo dài của tháng trước đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh trưởng của cây trồng nên sản lượng một số loại rau bán ra thị trường giảm đáng kể làm cho giá rau xanh tăng 8,14% so với tháng trước.
Nhóm may mặc tăng 0,37% do thời tiết đã chuyển mùa giá các mặt hàng may sẵn đặc biệt là giá áo khoác tăng 9,72%, giày dép tăng 0,80% đã làm cho chỉ số giá nhóm này tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,45% chủ yếu là đồ dùng trong nhà như máy giặt, máy xay sinh tố tăng, đặc biệt là đệm mút tăng 13,01% do giá cao su tăng cao. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,61% do nhóm dịch vụ văn hóa tăng chủ yếu là giá dịch vụ thuê bao truyền hình cáp tăng 33,3%...
CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG, CHỈ SỐ GIÁ VÀNG VÀ ĐÔ LA MỸ
TOÀN TỈNH THÁNG 11/2011
So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 1,13%, trong khi chỉ số giá đô-la Mỹ chỉ tăng 0,37%.
Giá cả tiêu dùng tăng thấp như đã nêu trên không chỉ người tiêu dùng “được lợi” mà ngay cả hoạt động thương mại cũng được “hưởng lợi” thông qua “kích cầu” mua sắm. Tuy nhiên, theo như dự báo của các nhà chuyên môn và theo quy luật, giá cả hàng hóa tiêu dùng trong tháng 12 sẽ có xu hướng tăng cao trở lại vì là tháng cận tết nên nhu cầu sử dụng tăng cao nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm...Do vậy, yêu cầu đặt ra là các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá của các nhóm hàng thiết yếu, giữ bình ổn thị trường trong tỉnh.
Tuấn Dũng