VJEPA bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2009, cùng với đó là trên 800 mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu của VN sang Nhật được hưởng mức thuế 0% theo hiệp định này.
Chế biến hàng thuỷ sản xuất khẩu tại một DN ở An Giang.
Ông Bùi Huy Sơn-Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2011, VN đã xuất sang Nhật 8,54 tỷ USD, nhập từ Nhật khoảng 8,4 tỷ USD. Nhiều mặt hàng của VN như hàng nông, lâm, thủy sản đang có nhiều lợi thế ở Nhật do được hưởng thuế suất bằng 0% ngay khi VJEPA có hiệu lực.
Ông Huỳnh Quang Đấu-Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Antesco (An Giang) cũng cho biết, doanh nghiệp này đang xuất khẩu thuận lợi 4 loại nông sản chế biến gồm đậu bắp, khóm, ngô bao tử và khoai lang tím sang Nhật do được hưởng thuế bằng 0%. "Mức thuế này đã tạo nên một lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp VN nhất là trong điều kiện kinh tế suy thoái như hiện nay" - ông Đấu nói.
Ông Sơn khẳng định, dù trải qua thiên tai, Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia có sức tiêu thụ mạnh, khoảng cách địa lý gần với VN nên vẫn là một thị trường lớn với sức mua cao, đặc biệt là hàng nông sản. Hiện Nhật Bản chỉ có thể đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thực phẩm trong nước, còn lại phải nhập từ các nước, trong đó có VN.
Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hàng năm Nhật nhập khoảng 70% hàng nông sản như bắp, đậu nành, nông sản đã chế biến, trái cây…; kế đó là thủy sản chiếm 20% và tôm là mặt hàng chủ lực. Song để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Nhật, theo ông Sơn, doanh nghiệp VN cần kiên trì, tìm hiểu kỹ đối tác và tạo điều kiện cho bạn hiểu được doanh nghiệp VN.
Các đơn hàng với Nhật ban đầu thường nhỏ song sẽ lớn dần lên theo uy tín của doanh nghiệp VN. Tiếp đó, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của VN sẽ là yếu tố quan trọng giúp duy trì mối quan hệ kinh doanh lâu dài với đối tác Nhật, vì thế DN phải giữ vững chất lượng hàng hóa xuất sang Nhật, nhất là với các mặt hàng nông sản.
Nguồn Dân Việt