(NTO) Do vậy, nhu cầu được học nghề để khả dĩ có thể “trụ” lại địa phương làm ăn bằng chính các cây, con sẵn có hoặc sử dụng nguyên liệu tại địa phương để phát triển nghề. Nếu không thì “ly nông” để kiếm việc làm tại tỉnh phù hợp với nghề được đào tạo hoặc “ly hương” để làm tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng cần có “chút nghề” cơ bản.
Căn cứ nhu cầu thực tế, tỉnh ta đã xây dựng danh mục trên 70 nghề sẽ đưa vào đào tạo cho lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Trong đó, ở một số lĩnh vực như trồng trọt có đến 13 nghề; thủy sản có 14 nghề; thương mại – dịch vụ có đến 22 nghề… Chung quy lại phần lớn nhu cầu học nghề của nông dân sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là dạy nghề như thế nào và học ra làm sao?. Không thể phủ nhận về tính hiệu quả của việc dạy nghề nông thôn. Các năm qua, thông qua việc “truyền nghề” đã có nhiều nông hộ cải thiện được cuộc sống bằng chính các nghề phụ như làm gốm, dệt thổ cẩm (Ninh Phước), thêu ren, làm đũa, mỹ nghệ (Ninh Sơn)… Thế nhưng tính phổ biến của các nghề khác cũng như tính bền vững chưa cao. Bởi lẽ, ngoài các “nghề” mang tính kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi giúp cho nông dân nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, qua đó tăng thêm giá trị và thu nhập… thì nhiều nghề khác chưa rõ về tính hiệu quả. Nguyên nhân cơ bản là giữa “học” với “hành” chưa đồng bộ. Học nghề nhưng làm việc ở đâu, thu nhập liệu có bảo đảm cuộc sống! luôn là điều trăn trở. Có một số nông hộ cho rằng học để biết, còn ứng dụng thực tế không dễ, lo nhất “đầu ra” của sản phẩm mà nông dân làm ra hoặc từ nghề được đào tạo. Chính từ những “vướng mắc” đó đã làm cho không ít người “ngại” không muốn học, không hào hứng trong việc đăng ký học nghề…
Để khắc phục tình trạng này – theo mong muốn của lao động nông thôn mà chúng tôi có dịp thăm dò là mở nghề nào phải chú trọng đến “đầu ra”, nghĩa là học xong cần được giới thiệu việc làm với mức thu nhập đủ trang trải cuộc sống. Mặt khác, kiến thức nghề cần phải thiết thực, phù hợp với công nghệ hay thiết bị mới tránh tình trạng học một đằng, nhưng khi vào thực tế việc làm lại khác sẽ khó có cơ hội cho lao động tìm việc. Vấn đề cũng đáng quan tâm là dạy nghề thì nghề được dạy phải gắn với nhu cầu trước mắt tại địa phương để lao động nông nghiệp, chí ít cũng có điều kiện kiếm thu nhập thêm trong thời điểm nông nhàn…
Tuấn Dũng