GÓP Ý VỀ TỔNG KẾT HIẾN PHÁP NĂM 1992:

Vài suy nghĩ trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

Để phục vụ có hiệu quả công tác tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, Báo Ninh Thuận mở chuyên mục “Góp ý về tổng kết Hiến pháp năm 1992”. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Báo Ninh Thuận rất mong nhận được sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.

(NTO) Hiến pháp là văn bản luật có giá trị pháp lý cao nhất, trên cơ sở đó để xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung năm 2001 (sau đây gọi là Hiến pháp năm1992) là Hiến pháp hiện hành ở Việt Nam hiện nay, là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới. Trải qua gần hai mươi năm thực hiện, do hoàn cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi nên một số nội dung của Hiến pháp đã không còn phù hợp. Do vậy, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới”.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, với điều kiện kinh tế - xã hội và tư duy pháp lý hiện đại thì một số nội dung của Hiến pháp cần được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới. Đó là:

Một, nội dung của Hiến pháp cần tiếp tục khẳng định và nâng cao giá trị dân chủ trong toàn bộ đời sống xã hội.

Về mặt lý luận, dân chủ là thiết chế trong đó khẳng định người dân có quyền làm chủ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa là toàn bộ những thiết chế thể hiện và đảm bảo quyền lực xã hội thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ở Việt Nam, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được thực hiện ngay sau khi nhân dân ta giành được độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn và chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố và phát triển, đặc biệt trong công cuộc đổi mới. Do vậy, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI đã khẳng định mục tiêu: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;”. Điều đó có nghĩa là Cương lĩnh đã khẳng định và nâng cao vai trò, giá trị của dân chủ trong đời sống xã hội.

Vì thế, vấn đề dân chủ phải được thể hiện rõ trong Hiến pháp và quan trọng hơn là được thực hiện trong thực tế. Dân chủ cần được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp qua việc người dân có quyền phúc quyết Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước như Hiến pháp Việt Nam năm 1946 đã khẳng định tại Điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70”.

Dân chủ còn được thể hiện trong Hiến pháp thông qua các quyền của công dân, nhưng những quyền đó cần phải được thực hiện trong thực tế, bao gồm các quyền về chính trị, như quyền biểu tình hợp pháp, quyền trưng cầu ý dân…đã được các bản Hiến pháp trước đây quy định và Hiến pháp năm 1992 cũng quy định tại các điều 53 và điều 69. Qua đó, người dân vừa tham gia các hoạt động quản lý của Nhà nước, vừa bảo vệ được quyền hợp pháp của mình khi những quyền đó bị vi phạm.

Hai, cần thể hiện vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng tại Đại hội XI đã khẳng định cần có sự kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều đó có nghĩa là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bên cạnh cơ chế phân công, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của bộ máy nhà nước trong việc thực hiện ba quyền, còn có cơ chế và biện pháp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước đó trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mở rộng nội dung này trong Cương lĩnh của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, góp phần phát hiện sớm để ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước nói riêng.

Mặt khác, việc kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ là vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như nêu trên, mà vấn đề còn là việc kiểm soát trong mối quan hệ giữa chủ thể quyền lực là nhân dân và người phục vụ nhân dân là các cơ quan, các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực nhà nước không phải là quyền lực tự có của Nhà nước, mà đó là quyền lực của nhân dân, được nhân dân ủy quyền, nhân dân giao quyền cho Nhà nước. Nhân dân không trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước của mình mà giao cho Nhà nước thay mình thực hiện, nên tất yếu nảy sinh đòi hỏi chính đáng và tự nhiên là nhân dân phải kiểm soát quyền lực nhà nước.

Hơn nữa, kiểm soát quyền lực trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam còn bắt nguồn từ đặc trưng Nhà nước Việt Nam do một Đảng duy nhất lãnh đạo. Đảng Cộng sản Việt Nam, hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử khách quan. Tính tất yếu đó vừa đòi hỏi phải kiểm soát quyền lực giữa các chủ thể cấu thành hệ thống chính trị ở nước ta, vừa đòi hỏi phải được khẳng định trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này.

Ba, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc có ý nghĩa lịch sử và có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong điều kiện mới. Do vậy, để việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 đạt hiệu quả cao thì việc tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 là công việc quan trọng, đòi hỏi có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp dân cư. Cần xác định đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để đúc rút tinh hoa trí tuệ toàn xã hội trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, vừa bảo đảm xây dựng được một bản Hiến pháp khoa học, hiện đại phù hợp trong điều kiện mới, vừa thiết thực thực hiện dân chủ trong thực tiễn theo yêu cầu chung của toàn xã hội.