Kết thúc hai ngày rưỡi chất vấn, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ghi nhận một số cam kết của Thủ tướng và các vị bộ trưởng cũng như kế hoạch chất vấn tại các ủy ban và Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Quốc hội giao Thường vụ xem xét những nội dung còn lại được đại biểu gửi chất vấn để tổ chức chất vấn tại phiên họp Thường vụ Quốc hội. Đó là các vấn đề tuyển dụng, đào tạo, chế độ đối với cán bộ, công chức nhà nước, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở (thuộc ngành nội vụ). Tình hình đầu tư ngân sách nhà nước phân tán (ngành kế hoạch và đầu tư), vấn đề y đức trong ngành y tế.
Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội tổ chức các phiên họp giải trình để bộ trưởng giải đáp về những vấn đề thời sự bức xúc nổi lên.
Ảnh Chinhphu.vn
Về hai ngày rưỡi chất vấn vừa qua, Nghị quyết ghi rõ, Quốc hội đánh giá cao kết quả chất vấn và trả lời chất vấn và cho rằng việc trao đổi, đối thoại, tranh luận những vấn đề lớn, bức xúc về kinh tế - xã hội, quản lý ngành, lĩnh vực tại phiên chất vấn đã góp phần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các thành viên Chính phủ. Từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực, mạnh mẽ.
Với lĩnh vực giao thông vận tải, Quốc hội ghi nhận cam kết của Bộ trưởng Đinh La Thăng về xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; chấn chỉnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Phấn đấu từ năm 2012 có chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm số vụ tai nạn, số người chết do tai nạn giao thông từ 5-10% mỗi năm. Trong năm 2012; phấn đấu không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút trong nội thành, các nút giao thông quan trọng.
Hầu hết các giải pháp khác mà Bộ trưởng Giao thông đã nêu đều được Quốc hội tán thành, như bố trí lệch giờ làm việc, tăng phương tiện vận tải công cộng và tăng quỹ đất dành cho giao thông tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội từ 8% lên 20-24%, diện tích bãi đỗ xe từ 0,8% lên 3% đến năm 2015.
Với giáo dục và đào tạo, Quốc hội quyết nghị, năm 2012, thực hiện chế độ phụ cấp đối với đội ngũ giáo viên không được hưởng chế độ thâm niên; chế độ phụ cấp cho giáo viên mầm non dạy ở thôn, bản và chế độ đối với học sinh dân tộc thiểu số nghèo, các nhà sư, nhà giáo dạy chữ Khmer và chữ các dân tộc thiểu số khác. Hoàn chỉnh dự án Luật giáo dục đại học và Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục đại học vi phạm.
Trong lĩnh vực tài chính, xây dựng lộ trình cụ thể để đến năm 2013 thực hiện quản lý các mặt hàng xăng dầu, điện, than, các dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kể cả Tập đoàn điện lực Việt Nam và Tổng công ty xăng dầu Việt Nam thực hiện đổi mới công tác quản lý, cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao, phấn đấu hạ giá thành xuống từ 5-10%
Với lĩnh vực ngân hàng, Nghị quyết Quốc hội ghi nhận cam kết của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình về việc hoàn thành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2012-2013 theo hướng giảm bớt số lượng, nâng cao tính an toàn, hiệu quả, chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại; kiểm soát cho vay bất động sản và kinh doanh chứng khoán và nợ xấu của ngân hàng. Rút kinh nghiệm, đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, ngoại tệ và vàng bạc.
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần lựa chọn các ưu tiên đầu tư trong 5 năm tới lên gấp 2 lần giai đoạn 2005-2010. Bảo đảm giữ được 3,8 triệu ha đất trồng lúa.
Các vị bộ trưởng sẽ báo cáo kết quả thực hiện lời hứa vào các kỳ họp sau. Những cam kết trên sẽ được Quốc hội giám sát và theo dõi chặt chẽ.
2015: Xử lý 85% cơ sở ô nhiễm làng nghềCũng trong sáng nay, QH đã thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Theo đó, QH giao Chính phủ hoàn thiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này; thực hiện tốt công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Xây dựng, hoàn thiện chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế ven biển phù hợp gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Xử lý nghiêm các vi phạm môi trường tại các làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đến năm 2015, xử lý đạt 85% tỷ lệ cơ sở sản xuất, cơ sở tái chế phế thải hoặc núp bóng làng nghề gia công, sản xuất các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nguồn VietNamNet