Xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam

Trung tâm vũ trụ Việt Nam có diện tích 9ha, được xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc-Hà Nội, là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ phục vụ nhu cầu dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh-truyền hình, tìm kiếm cứu nạn… trong nước.

Tại lễ kỷ niệm 5 năm thành lập Viện Công nghệ vũ trụ - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội, tiến sỹ Doãn Minh Chung, Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ cho biết Dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ được đầu tư với kinh phí hơn 600 triệu USD.

Mô hình thiết kế Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc. (Nguồn: Internet)

Dự án này sẽ được thực hiện sớm và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Dự án trên đã được Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ thiết kế, xây dựng của Nhật Bản.

Tháng 9/ 2011, Trung tâm vệ tinh Việt Nam, đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được thành lập. Đây là đơn vị có chức năng tiếp nhận, quản lý và thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.

Sau khi Dự án được hoàn thành, Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu triển khai, đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ hiện đại hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Thông qua dự án, theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, Việt Nam có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do các thảm họa thiên tai gây ra.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ có khả năng tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất có độ phân giải cao tiên tiến trên thế giới.

Với mục tiêu cụ thể đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất; đến năm 2030 có thể tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái Đất, tập thể Viện Công nghệ vũ trụ đang nỗ lực phấn đấu không ngừng nhằm đưa công nghệ vũ trụ trở thành công cụ đắc lực trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, môi trường, lãnh thổ và thiên tai, đạt tầm cỡ ngang với các Viện nghiên cứu hàng đầu về công nghệ vũ trụ của các nước trong khu vực.

Nguồn www.chinhphu.vn