(NTO) Thật vậy, từ khi chúng ta sinh ra, người thầy đầu tiên cao quý nhất của chúng ta là ba, là mẹ đã dạy dỗ chúng ta những bước đi, những tiếng nói, những cách sinh hoạt đầu tiên của con người trong cuộc sống. Khi lớn lên, chúng ta có rất nhiều người thầy đã dạy chữ viết, tiếng nói, lễ phép, đạo đức, lối sống, văn hóa, tự nhiên, xã hội, khoa học, kỹ thuật và những kiến thức chuyên môn, chuyên ngành sâu hơn, cao hơn… Những người thầy của chúng ta có khi là những người lớn tuổi hơn hoặc ít tuổi hơn chúng ta, có khi là trí thức hoặc người thành đạt trong lao động sản xuất, trong hoạt động chính trị xã hội, có khi là người ít học vấn hơn chúng ta ở lĩnh vực này mà uyên thâm hơn chúng ta ở lĩnh vực khác. Là học trò có khi chúng ta suy nghĩ chưa đến nơi đến chốn, đôi lúc lời nói vô tình chưa chín chắn, thỉnh thoảng có những hành vi chưa tích cực trong học hành, rèn luyện, tư duy, nghiên cứu và phấn đấu nên đôi lúc làm cho thầy, cô buồn lòng… nhưng tất cả những người thầy của chúng ta có điểm giống nhau, có chung ước muốn và lòng mong đợi là “Người thầy luôn luôn vui sướng khi nhìn học sinh trưởng thành”.
Ảnh: Duy Anh
Trong chúng ta, ai đó, có thể chưa biết được có lúc, có nơi nào đó mình đã trở thành người thầy qua một hành vi cư xử chuẩn mực, qua những thói quen tốt, qua sự im lặng đúng lúc, qua một hình ảnh dũng cảm hay một lối sống mẫu mực, nghiêm túc…những điều đó đã giúp cho ai đó có suy nghĩ hướng thiện hơn; bình tĩnh và hành xử tốt hơn với mọi người; từ bỏ thói quen không tốt; thấu hiểu biết thương yêu nhau; trở nên dũng cảm, mạnh mẽ hơn và thành công trong cuộc sống…và điều đó ông cha ta đã đã đúc kết thành tục ngữ: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy).
Hàng năm đến ngày 20 tháng 11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, tất cả chúng ta hãy tiếp tục làm người học trò tốt hơn để tiếp tục học thêm tất cả những gì chúng ta chưa biết cho cuộc cuộc sống, cho công việc, cho chuyên môn, chuyên ngành; và cao hơn nữa về đạo đức, lối sống hãy tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Quy luật của muôn đời, nhân quả, cuộc sống, xã hội, thế giới và vũ trụ sẽ dội ngược lại những gì chúng ta suy nghĩ, nói và hành động. Vì thế chúng ta hãy luôn luôn cẩn trọng trong suy nghĩ, cân nhắc thận trọng trong lời nói, việc làm, hành động, và phải biết hy sinh, cống hiến cho quê hương, đất nước bằng những việc làm tích cực, khoa học, sáng tạo, hiệu quả, bằng những tấm gương sống, làm việc mẫu mực hằng ngày để trở thành người thầy thực sự hơn cả trăm lần bài diễn thuyết hay!
B.L
Nhà giáo ưu tú Phạm Hồng Cường, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh
Tôi rất lấy làm tự hào vì đã có gần 40 năm giảng dạy và làm công tác quản lý giáo dục. Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là một trong 2 lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta coi là quốc sách hàng đầu và có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm, đầu tư phát triển. Dù ở thời đại nào, người làm thầy vẫn luôn được xã hội quan tâm, kính trọng. Theo tôi, chính những niềm vinh dự, tự hào trên là động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy tốt, học tốt”. Đã từng là một người thầy, một nhà quản lý giáo dục và nay đang là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tổ chức cũng gắn liền với công tác giáo dục, bản thân tôi cùng tập thể Hội luôn mong muốn xây dựng được nhiều hoạt động hỗ trợ, quan tâm, khích lệ tinh thần giảng dạy, học tập của các thầy, cô giáo, học sinh, đặc biệt ở các vùng miền núi, khó khăn. Hội Khuyến học cũng luôn nỗ lực, cố gắng để cùng với ngành GD&ĐT thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ GD&ĐT của tỉnh nhà.
Cô giáo Nguyễn Hạnh Phương, Trường THPT Chu Văn An
Hơn 20 năm gắn bó với nghề là từng ấy thời gian tôi tích lũy cho mình những bài học quý và những kỷ niệm thầy trò đáng trân trọng. Từ buổi đầu đứng trên bục giảng, bỡ ngỡ trước ánh mắt hồn nhiên của học trò đến khi đã là một giáo viên lâu năm, tôi học được nhiều ở đồng nghiệp và cả những thế hệ học sinh của mình về cuộc sống, từ bài học chuyên môn trong nghề đến cách đối nhân xử thế hàng ngày. Nghề giáo với tôi như dòng máu nóng đang chảy trong người. Tâm huyết của người thầy là mong muốn học trò của mình trở thành người có ích cho xã hội. Giáo viên không chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn là người dạy dỗ, uốn nắn các em có nhân cách hoàn thiện, hướng các em đến những điều “Chân-thiện-mỹ”. Để việc đến trường đối với các em không chỉ được bồi bổ thêm kiến thức mà còn là nơi các em chuẩn bị cho những hành trang cần thiết nhất để vào đời. Làm được điều đó, người thầy phải không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, tìm kiếm phương pháp sư phạm hiệu quả; phải gương mẫu, thân thiện, gần gũi và biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các em. Chính người giáo viên phải thật sự nghiêm khắc với bản thân mình trước rồi mới nghĩ đến việc thực hiện sứ mệnh trồng người.
Anh Phan Văn Cường, phường Phước Mỹ, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm
Ngày 20-11 hàng năm là dịp để các bậc phụ huynh và học sinh thể hiện tình cảm của mình với thầy, cô đã tận tâm truyền đạt kiến thức, dạy dỗ con em mình trưởng thành. Tôi đã từng là một học sinh, bây giờ là phụ huynh có con đang trong độ tuổi đi học, tôi rất hiểu các thầy, cô giáo vất vả như thế nào; tôi khâm phục và tôn trọng những thầy, cô giáo hết mình vì sự nghiệp trồng người. Để công tác dạy và học ngày một tốt hơn, tôi mong muốn thầy, cô giáo và ban giám hiệu nhà trường quan tâm hơn nữa đến học sinh của mình; thường xuyên phối hợp với phụ huynh để có cách dạy tốt và đạt hiệu quả cao. Tôi nghĩ, sự hợp tác giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp cho học sinh phát triển toàn diện hơn.