(NTO) Vẫn biết từ lâu các trường luôn dạy HS đến lớp phải chào thầy cô, ra đường chào người lớn, về nhà thưa trình cha mẹ, nhưng không phải em nào cũng thực hiện. Vì vậy chứng kiến thái độ lễ phép của HS vùng cao khiến tôi và đồng nghiệp vô cùng cảm động.
Trở lại Trường THCS Trần Phú (xã Phước Đại), nơi những HS trên đang theo học, được thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Trìu, cho biết: “Hưởng ứng cuộc vận động “Nói lời yêu thương” do Sở Giáo dục và Đào tạo phát động, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức cho HS ký cam kết thực hiện với những việc làm cụ thể như luôn nói lời “cảm ơn”, “xin lỗi”, biết “kính trên nhường dưới”.
Em Ka Dá Thị Ánh, HS lớp 7A2, nói: “Trước đây mỗi khi gặp chuyện buồn, không kìm chế được bản thân, em hay cáu gắt với bạn bè. Nhưng từ khi nhà trường phát động cuộc vận động “Nói lời yêu thương” em hiểu làm như vậy là tổn thương đến người khác, nên tự điều chỉnh mình.”. Còn em Trần Thị Trà, HS lớp 9A1 thì thẳng thắn: “Đã đến lúc giới trẻ phải tự nhìn lại mình để cư xử với nhau cần có văn hóa hơn.”
Ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Pi-năng Tắc còn giáo dục HS yêu Tổ quốc, quý trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào mình, bằng việc phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên dạy đánh mã la cho các em HS, vào sáng thứ hai hằng tuần và duy trì đều đặn chào cờ, hát quốc ca…
Hiện nay do hoàn cảnh, nhiều gia đình, nhất là các bậc phụ huynh hằng ngày phải bươn chải lo “cơm áo gạo tiền” nên sao nhãng việc dạy bảo con mình, vì vậy việc các trường học ở huyện Bác Ái thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Nói lời yêu thương” là rất đáng ghi nhận.
Tuấn Anh