Tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục Mầm non

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 là bước phát triển mới của bậc học mầm non, nhằm tạo điều kiện để trẻ em đều được đến trường học tập và chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ sẵn sàng cho trẻ vào cấp phổ thông. Mục tiêu chung của đề án là đến năm 2015, tỉnh ta đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Để đạt được mục tiêu này, việc đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống GDMN là điều hết sức quan trọng.

(NTO) Theo thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo, năm học 2010- 2011, toàn tỉnh có 87 trường mầm non (có 72 trường công lập và 15 trường tư thục), với tổng số 668 phòng học. Tuy nhiên, mạng lưới trường lớp mầm non chưa đủ phủ kín các địa bàn để huy động trẻ ra lớp; cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa còn bị hạn chế. Cả tỉnh còn 19,91% phòng học mầm non tạm bợ hoặc phải học nhờ. Một trong những mục tiêu cụ thể của Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 đã đề ra: Củng cố mở rộng mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đến năm 2015 có 95% số trẻ em 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. Nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 337 phòng học của lớp mầm non 5 tuổi, và theo thống kê phải cần thêm khoảng 150 phòng học mới đáp ứng được mục tiêu đề án đề ra. Trong số 337 phòng học hiện có cũng mới chỉ có 41 phòng học được xây dựng kiên cố, 199 phòng học bán kiên cố, còn lại là phòng học tạm bợ hoặc học nhờ nhà dân, nơi thờ tự.

“Chơi mà học, học mà chơi” của các cháu 5 tuổi
Trường Mẫu giáo Phước Mỹ (Tp. Phan Rang – Tháp Chàm).

Nhu cầu được đầu tư về cơ sở vật chất, trường, lớp, cho GDMN không chỉ có ở những vùng nông thôn, miền núi đặc biệt khó khăn. Bởi ngay trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, vẫn còn tình trạng thiếu phòng học và phòng học tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, đầu năm học 2011-2012, toàn thành phố có 15 trường mầm non công lập, với 57 lớp mẫu giáo 5 tuổi nhưng mới chỉ có 10 trường, với 37 lớp trẻ được học 2 buổi/ngày. Do thiếu phòng học nên 20 lớp trẻ mẫu giáo 5 tuổi còn lại thuộc các trường Mẫu giáo Đông Hải, Mỹ Bình, Phủ Hà, Mỹ Đông, Văn Hải chỉ được học một buổi để “nhường” phòng học cho các lớp trẻ khác. Một số trường như Trường Mầm non Đô Vinh tuy tất cả các lớp trẻ 5 tuổi đều được học 2 buổi/ ngày nhưng ngoài điểm trường chính được xây dựng khang trang thì trường còn 1 điểm phụ phải học nhờ phòng của trường tiểu học và một điểm trường thuộc khu phố 1 đã xuống cấp.

Bên cạnh hệ thống trường lớp, các thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở các trường mầm non cũng còn thiếu nhiều. Phần lớn các thiết bị, đồ chơi trong các trường mầm non đều do các cô giáo tự làm. Còn nếu đối chiếu với danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dành cho giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì còn rất nhiều trường thiếu, thậm chí là không có.

Trước những thực trạng và khó khăn trên, Đề án Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2011-2015 của tỉnh đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là thực hiện kiên cố hóa trường lớp, đảm bảo tất cả các xã khó khăn và vùng dân tộc thiểu số đều có trường với quy mô ít nhất 3 lớp ở trung tâm và các điểm lớp lẻ có phòng học được xây dựng kiên cố theo hướng chuẩn hóa. Từ nay đến năm 2015, sẽ xây mới 363 phòng học, với tổng kinh phí trên 144 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2011-2012, sẽ thực hiện xây mới 203 phòng học cho lớp mầm non 5 tuổi ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đảm bảo các trường mầm non công lập đều đạt tỷ lệ 1 lớp/1 phòng học; đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn và các công trình phụ trợ bảo đảm điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ trong các trường, lớp mầm non. Đồng thời, thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục ở các huyện, thành phố để thành lập thêm các trường mầm non tư thục. Đề án cũng dành hơn 22 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ chơi cho các trường mầm non. Với sự nỗ lực đó, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên… Tin rằng, tỉnh ta sẽ đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015 đúng như mục tiêu đề ra.