(NTO) Kết quả trên cho thấy, năm học qua dù các trường đã có nhiều cố gắng như tổ chức học 2 buổi/ngày, dạy phụ đạo cho HS yếu kém… nhưng chất lượng chưa được nâng lên như mong muốn. Trước thực trạng như vậy, ngay từ ngày đầu năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chỉ đạo các trường đề ra những giải pháp mang tính đặc thù, phù hợp với từng nơi, từng đối tượng HS. Và thực tế, từ chủ trương mang tính “đột phá” này, bắt đầu xuất hiện những cách làm hay.
Trường THCS Ngô Quyền được đầu tư trên 200 triệu đồng trang bị 20 máy tính
phục vụ giảng dạy công nghệ thông tin trong trường. Ảnh: V.M
Thầy giáo Nguyễn Trạc Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (Phước Thắng) gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở địa phương trên 10 năm, nói: “Cứ chuẩn bị bước vào năm học mới là các thầy cô giáo, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể vào cuộc vận động HS đến trường. Tuy nhiên, những ngày đầu các em lên lớp đầy đủ, nhưng sau đó rơi rớt dần. Nguyên nhân chính mà HS bỏ học là do học lực yếu, nhiều em không theo kịp chương trình, chán nản trốn học ở nhà". Xuất phát từ thực tế trên, năm học này Trường THCS Lê Lợi đề ra chủ trương không dạy theo kiểu nhồi nhét. Trước đây, có những buổi HS phải học 5 tiết, nhưng hiện nay rút xuống 4 tiết. Những tiết học còn lại chuyển sang học vào buổi chiều trong ngày. Theo thầy Minh, cách sắp xếp thời khóa biểu như vậy giảm được áp lực học tập; học sinh có thời gian nghỉ ngơi và tiếp thu bài giảng tốt hơn. Đối với giáo viên không phải dạy quá 3 tiết/buổi. Đặc biệt mỗi lớp học được bố trí thêm hai giáo viên cùng với giáo viên chủ nhiệm bám lớp giúp đỡ những HS yếu kém. Với cách làm “Tất cả giáo viên đều là chủ nhiệm” đã phát huy được tinh thần trách nhiệm với HS. Kết quả bước đầu là rất khả quan, 136 HS ở trường từ đầu năm học đến nay chưa có em nào bỏ học, chất lượng học tập được nâng lên. Ngoài Trường THCS Lê Lợi, một số trường khác cũng có những đổi mới nhất định trong phương pháp giảng dạy.
Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: “Không riêng gì các trường học, mà cả hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể cũng vào cuộc chung sức chăm lo cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương. Đây chính là cơ sở để Phòng GD&ĐT huyện mạnh dạn chuyển đổi một số trường phổ thông sang trường Phổ thông Dân tộc bán trú. Hiện nay, đã có 4/9 trường THCS được chuyển đổi, đó là Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh (Phước Bình), Nguyễn Văn Linh (Phước Tân), Nguyễn Văn Trỗi (Phước Trung), Ngô Quyền (Phước Tiến). Riêng bậc Tiểu học có Trường TH Phước Thành B. Được nghỉ ngơi, nội trú tại trường, các em không còn bỏ học cách nhật nữa.
Đồng chí Trần Thùy Vân cho biết thêm, học bán trú là cách tốt nhất để “giữ” HS ở lại trường, chú tâm vào học tập. Tuy nhiên, muốn duy trì mô hình học tập này phải đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục. Từ sự vận động của Phòng GD&ĐT, Ngân hàng Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long đã hỗ trợ các em ở trường bán trú mỗi em 140.000 đồng/tháng trong vòng 7 tháng, các doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ 9,5 tấn gạo; Trại giam Sông Cái vừa nhận lời giúp đỡ mỗi năm 5 tấn gạo… Ngoài ra, phụ huynh còn đóng góp rau, quả, thêm vào để cải thiện bữa ăn cho con em mình.
Đổi mới phương pháp giáo dục, nhất là đối với những vùng cao như huyện Bác Ái cần phải có thời gian nhất định, nhưng với những gì đạt được, tin rằng chất lượng giáo dục ở địa phương sẽ được nâng lên trong thời gian tới.
Tuấn Anh