(NTO) Theo thống kê chưa đầy đủ, tính từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý trên 690 vụ vi phạm, trong đó có trên 90 vụ khai thác trái phép, mua bán vận chuyển “lậu” gần 190 vụ… Thực ra, đây chỉ là những con số bề nổi còn thực tế vi phạm có lẽ còn cao hơn nhiều lần. Đây cũng là điều dễ hiểu vì “cầu” rất cao nhưng số lượng “cung” có hạn, mặc dù hằng năm tỉnh ta đều có chỉ tiêu khai thác gỗ.
Chỉ tính trong năm nay, tính đến hết tháng 9-2011 các đơn vị được giao đã khai thác 6.378m3, trong số này khu vực Nhà nước khai thác 5.328m3 (tăng 2%) trong đó gỗ chính phẩm trên 4.030m3 (tăng 5,2%).
Vấn đề cũng đáng quan tâm là để đáp ứng “nhu cầu” cho khách hàng, ngày càng “mọc” lên nhiều cơ sở mộc tại gia và đây chính là nơi tiêu thụ gỗ khai thác lậu của đối tượng phá rừng. Có nhiều cách để các cơ sở mộc “qua mắt” kiểm lâm, đơn giản nhất là mua một số gỗ có giấy phép để làm “chứng” còn thực tế là “độn” gỗ lậu vào. Thậm chí ngay cả doanh nghiệp được phép kinh doanh gỗ cũng chẳng khác gì hơn bởi một lẽ đơn giản: gỗ trôi nổi bao giờ cũng rẻ hơn gỗ có giấy phép khai thác mà đã là thu lợi nhuận cao thì rất ít doanh nghiệp từ chối !...Thực trạng này tồn tại đã nhiều năm qua và ngành chức năng cũng “quyết liệt” kiểm tra nhưng rồi đâu vẫn vào đó.
Thử đặt vấn đề: Liệu cơ quan chức năng có biết đến những “xưởng” mộc tại gia làm “chui” cũng như kiểu làm ăn gian dối của các doanh nghiệp gỗ không?. Nếu nói không biết sẽ là thiếu trách nhiệm nhưng nếu nói biết thì sao không xử lý? Vấn đề này đề nghị ngành chức năng mà chủ yếu là cơ quan kiểm lâm nên tìm lời giải thỏa đáng.
Không phải là không có biện pháp hữu hiệu để chống phá rừng và thực tế tỉnh ta cũng đã triển khai nhiều biện pháp, cả trước mắt và dài lâu như tạo công ăn việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề… cho đối tượng sống dựa vào rừng. Tuy nhiên, cơ bản là cần có những chế tài xử lý nghiêm khắc và ngành chức năng cần công tâm, trách nhiệm trong công việc.
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt” và trong thực tế việc trả giá bởi mưa lũ đã làm thiệt hại cho sản xuất, đời sống của không ít hộ dân mà một trong những nguyên nhân là do rừng ngày càng nghèo kiệt bởi bàn tay con người mà ra!.
Tuấn Dũng