(NTO) Karaoke giải trí
Cùng với các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa khác, kinh doanh dịch vụ karaoke cũng đang phát triển mạnh ở tỉnh ta. Dọc các tuyến phố, những khu dân cư đông đúc, dịch vụ karaoke “mọc” lên nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận người dân. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 71 điểm karaoke hoạt động kinh doanh (được cấp phép) trên địa bàn tỉnh; trong đó, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm 42 điểm, Ninh Sơn 16 điểm, Ninh Phước 4 điểm, Ninh Hải 4 điểm, Bác Ái 4 điểm, Thuận Bắc 1 điểm.
Tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, có những tuyến đường được người dân gọi là đường karaoke như đường Hải Thượng Lãn Ông, Ngô Gia Tự… Từ quán nhỏ đến lớn, từ bình dân đến sang trọng, khách giải trí karaoke sẵn sàng được đón tiếp ở đây. Để đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, các chủ quán đã đầu tư, trang bị phòng ốc, giàn âm thanh hiện đại để thu hút khách, phục vụ mọi đối tượng… Anh Nguyễn Văn Dũng, phường Phước Mỹ, Tp.Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: “Các quán karaoke trên địa bàn thành phố ngày càng được đầu tư hiện đại, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân. Đây là một loại hình giải trí lành mạnh, lâu lâu tôi cùng gia đình, bạn bè vẫn đưa nhau đến hát”. Còn bạn Nguyễn Hòa, làm việc ở một doanh nghiệp cho biết: “Có Karaoke, tụi em có thêm chỗ vui chơi giải trí vào cuối tuần”.
Có thể nói, trong điều kiện thiết chế văn hóa chưa được đầu tư nhiều, loại hình karaoke trở thành những điểm vui chơi giải trí văn hóa cho người dân trong tỉnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho mọi người.
Đến karaoke biến tướng
Tuy nhiên, do chính lợi nhuận từ loại dịch vụ karaoke nên một số chủ quán đã biến tướng ra nhiều hình thức, bất chấp cả vi phạm pháp luật để thu lợi nhuận. Điển hình các dịch vụ karaoke sử dụng tiếp viên nữ, “đào” hát để câu khách. Bên cạnh đó, dịch vụ karaoke đã và đang ảnh hưởng không tốt đến đời sống chung quanh, phá vỡ sự yên tĩnh của các khu dân cư trong giờ nghỉ dưỡng. Các cơ sở karaoke hiện nay thường dùng đĩa nén chứa đựng hàng trăm, hàng ngàn bài hát, trong đó có cả những bài “ngoài luồng” nội dung không lành mạnh, tác hại xấu. Trước búc xúc của xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạm ngưng cấp giấy phép kinh doanh karaoke từ năm 2006. Phải đến khi Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1-1-2010, các loại hình này mới được cấp phép lại. Qua điều tra của chúng tôi, hiện nay vào một số quán trên đường Hải Thượng Lãn Ông, Ngô Gia Tự… nếu khách yêu cầu có “bồi” quán sẽ alo “đào” để hát góp vui cùng khách. Còn việc sau đó giữa khách và “đào” chỉ có trời mới biết!. Điển hình, mới đây, sau nhiều lần theo dõi, phục kích, Đội Kiểm tra liên ngành 178 về phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh đã phát hiện bắt giữ 2 “đào” thực tế là gái mại dâm, trá hình hoạt động tại cơ sở karaokê của Nguyễn Thị Hồng, thôn Khánh Hội, xã Tri Hải (Ninh Hải). Những “đào” này ngồi hát với khách, hát xong, nếu khách có nhu cầu, giá cả, các “đào” sẽ cùng khách đến nhà trọ!.
Quản lý dịch vụ karaoke
Theo Quyết định 3512/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Quy hoạch địa điểm kinh doanh karaoke, vũ trường giai đoạn 2007-2010 trên địa bàn tỉnh và định hướng đến 2012”, toàn tỉnh sẽ phát triển 140 điểm kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó, định hướng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm chuyển điểm hoạt động trong khu vực thành phố về hướng vùng ven biển, khu du lịch và các xã, phường ven đô; đối với các huyện tăng cường phát triển ở các xã có tiềm năng du lịch. Mục tiêu của đề án, là phát triển kinh tế-văn hóa, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tạo môi trường lành mạnh trong tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, đồng thời tạo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Muốn vậy, tỉnh ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng và các văn bản pháp luật có liên quan để người dân nắm rõ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cơ sở trong việc quản lý các hoạt động văn hóa công cộng; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc giám sát, đấu tranh phòng ngừa các hoạt động lợi dụng cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa để tổ chức các hoạt động không lành mạnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động cho các cơ sở trong hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cấp xã để tổ chức các hoạt động văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, khuyến khích và thu hút đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng các công trình văn hóa, phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ văn hóa phong phú, đa dạng, chất lượng cao, loại bỏ dần các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa không đảm bảo về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện phục vụ; kiên quyết loại bỏ các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa không lành mạnh và các cơ sở không đảm bảo an ninh, trật tự…
Nguyễn Xuân Bính