(NTO) Mưa bão sẽ làm cho đất ẩm ướt, là điều kiện thuận lợi để một số dịch bệnh nảy sinh trên đàn gia súc, gia cầm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêu chảy, viêm phổi ở trâu, bò và lợn; bệnh gumboro, cầu trùng ở gia cầm, v.v… Chính vì vậy, để bảo vệ và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão, cần thực hiện tốt một số công việc sau đây:
- Cần kiểm tra chuồng trại chắc chắn, chống dột, có tấm che chắn gió để bảo vệ gia súc, gia cầm trong cơn bão.
- Cần có biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm non không bị nhiễm lạnh.
- Về thức ăn, nước uống: Cần cho gia súc, gia cầm uống nước sạch khuẩn. Có thể sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nước đối với những nơi chưa có nước máy. Với thức ăn, cần đủ về lượng và chất. Thức ăn cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh bị ẩm mốc.
Đối với trâu, bò cần dự trữ và chế biến thức ăn, đảm bảo không bị đói trong những ngày mưa bão. Có 2 biện pháp dự trữ, chế biến đơn giản:
* Phương pháp ủ chua: dùng nguyên liệu ủ như cỏ tự nhiên, cỏ voi, thân cây ngô, chặt ngắn 2- 4cm. Xây bể xi-măng, đào hố ủ lót ni-lon, nhưng cách thuận tiện nhất là dùng các túi ni-lon cỡ lớn. Rải nguyên liệu ủ đã chặt ngắn vào túi ni-lon. Mỗi lớp ủ 20cm nén chặt để chứa được nhiều và tạo môi trường yếm khí cao cho lên men. Sau đó phủ rơm khô lên trên cùng và buộc kín. Sau 3 tuần trâu, bò có thể ăn được.
* Phương pháp ủ rơm với u-rê: Cứ 100kg rơm, cần 4kg urê hoà tan trong 60-100 lít nước (tuỳ rơm ướt hoặc khô), tưới đều lên rơm theo từng lớp một, nén chặt khi ủ và đậy kín phía trên hố ủ để cho khí amoniac không thoát ra ngoài, thấm đều vào rơm làm cho rơm mềm. Sau 7 đến 10 ngày thì có thể lấy rơm ủ cho trâu, bò ăn.
Cần lưu ý: Không được hoà urê vào nước cho bò uống trực tiếp, vì trâu, bò sẽ bị ngộ độc.
- Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại: Phải làm thường xuyên nhất là trong mùa mưa bão. Đối với những chuồng không có bể biogas, cần gom phân và các chất thải thành đống và trát bùn. Phương pháp này gọi là ủ nhiệt sinh học, nhằm tiêu diệt hết mầm bệnh trong môi trường nhiệt độ cao. Song song đó cần phun khử trùng bên trong và khu vực xung quanh chuồng trại định kỳ 2-3 tuần/lần bằng các loại dung dịch như BKA, Han Iodin, Biocid, v.v… Rải vôi bột xung quanh chuồng và các lối đi.
LĐ (tổng hợp)