(NTO) Mặc dù tổng nguồn lực được phối hợp, lồng ghép đầu tư cho chương trình giảm nghèo của tỉnh tăng cao qua 5 năm (2006-2010): 2.384,5 tỷ đồng, tăng 69,4% so với giai đoạn (2001-2005); đã góp phần nâng cao đời sống của nhân dân toàn tỉnh nói chung và đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Tuy nhiên, sự chênh lệch về nguồn nhân lực là nguyên nhân cơ bản, có tác động đến sự phân hóa giàu - nghèo ở vùng đồng bào DTTS&MN. Hộ nghèo thường là những hộ đông con, con còn nhỏ (mới tách hộ), thiếu lao động hoặc có thành viên bị đau ốm kéo dài. Trình độ học vấn của các thành viên trong nhóm hộ nghèo thấp hơn nhiều so với nhóm hộ không nghèo.Trình độ chuyên môn của cán bộ xã và thôn vùng dân tộc miền núi còn thấp. Nhiều hộ gia đình còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn trợ cấp của Nhà nước. Hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ, vốn vay thấp, vẫn còn tình trạng con em bỏ học do điều kiện gia đình và nhận thức của phụ huynh, tình trạng thiếu đất, thiếu vốn sản xuất và sức cày kéo cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên.
Trung tâm huyện Bác Ái được xây dựng khang trang. Ảnh: Văn Thanh
Để khắc phục những hạn chế trên nhằm phát triển bền vững vùng DTTS&MN, trong những năm trước mắt và lâu dài, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt một số giải pháp:
Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan và cán bộ làm công tác dân tộc miền núi, trong đó xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê theo dõi, giám sát phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS&MN một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình dự án phát triển vùng DTTS&MN; tùy theo đặc thù vùng miền để có chính sách phát triển cho phù hợp.
Sớm cấp quyền sử dụng đất sản xuất ổn định cho bà con. Tiếp tục phát triển kinh tế miền núi gắn với chăm sóc bảo vệ rừng (giao rừng khoán quản).Tập trung phát triển, mở rộng kết cấu hạ tầng nông thôn miền núi để tạo điều kiện giao lưu hàng hóa, đặc biệt là hoàn thiện và nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn; nâng cao trình độ dân trí vùng DTTS&MN.Trước mắt chống hiện tượng tái mù chữ và rà soát lại chương trình phổ cập THCS vùng DTTS&MN.
Tăng cường đầu tư các nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội miền núi: Giao thông nông thôn, nâng cao trình độ lao động được đào tạo nghề thiết thực, gắn với công việc họ đang làm và phù hợp từng vùng miền.Tiếp tục duy trì chính sách khuyến khích phát triển làng nghề truyền thống dân tộc, tiểu thủ công nghiệp nông thôn miền núi. Lồng ghép các yếu tố dân tộc, miền núi trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện tốt chính sách thu hút phát triển giáo dục và y tế miền núi; đặc biệt chú trọng y tế thôn bản, y tế cộng đồng, giúp cho bà con cách thức: ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Giải quyết dứt điểm tình trạng du canh, du cư miền núi; tập trung vào các hoạt động hỗ trợ và hướng dẫn quản lý hệ thống kênh mương nước dẫn tưới đồng ruộng trong vùng.
Các hoạt động hỗ trợ giống (trợ giá, trợ cước) gắn chặt với lịch mùa vụ của người dân và có tổ chức, quản lý rõ ràng hơn. Hoạt động tập huấn khuyến nông cần được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; trong đó cần đưa vào kế hoạch hướng dẫn tăng cường về cách thức sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu (bằng cách cầm tay chỉ việc, trình diễn các mô hình trồng lúa nước, trồng bắp lai, đậu xanh, hướng dẫn cách xịt thuốc khi có sâu rầy).
Tạo công ăn việc làm tại chỗ cho thanh niên nhằm đa dạng hoá thu nhập hộ gia đình, bước thực hiện đầu tiên là mở lớp đào tạo nghề theo nhu cầu song song với đào tạo nâng cao trình độ học vấn. Bổ sung các hoạt động thông tin giá cả trong các cuộc họp thôn. Hướng dẫn, tổ chức thành lập các nhóm cùng tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn: các hộ tập hợp thành nhóm cùng sản xuất, cùng thu hoạch và tự tập trung tiêu thụ sản phẩm (hộ có phương tiện giúp hộ không có phương tiện chuyên chở sản phẩm đi bán) hoặc các ban, ngành liên quan đứng ra hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Tăng cường các hoạt động quản lý và khuyến khích trẻ em tới trường trên cơ sở phối hợp chặt chẽ hơn với chính quyền địa phương. Các chương trình dự án cần khắc phục những hạn chế hiện tại và quá trình lập kế hoạch, khi triển khai cần chú trọng hơn tới sự tham gia của người dân.
Để đánh giá đúng thực trạng phát triển bền vững vùng DTTS&MN của tỉnh, cần theo dõi, giám sát đánh giá việc thực hiện các chương trình dự án phát triển miền núi định kỳ hằng năm tập trung về một đầu mối (trong đó Ban Dân tộc miền núi tỉnh là cơ quan theo dõi chính). Lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng như chiến lược phát triển dài hạn cần xem xét mục tiêu phát triển bền vững vùng DTTS&MN là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của tỉnh về công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nguyễn Văn Hương