(NTO) Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã định hướng phát triển toàn diện ngành Thủy sản theo hướng ngày càng ổn định, bền vững. Phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân từ 7-8%/năm.
Tổ Tàu thuyền của ngư dân huyện Ninh Hải ra khơi đánh bắt hải sản.
Trong hành lang tuyến biển của Việt Nam, vùng biển tỉnh ta được xác định là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác 50 ngàn tấn/năm, với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có thể phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, khí hậu tỉnh ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình hàng năm thấp, độ mặn nước biển tương đối ổn định quanh năm từ 30-32%. Dọc theo bờ biển ít sông, suối và các nhà máy công nghiệp, do vậy chất lượng nước biển được đánh giá là sạch và rất thuận lợi cho phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) mặn, lợ, nhất là nghề nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống.
Để tạo sự chuyển dịch theo hướng tích cực trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, thời gian qua tỉnh đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cảng cá như Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và bến cá Mỹ Tân thành trung tâm nghề cá của tỉnh và khu neo đậu an toàn cho tàu, thuyền các tỉnh trong khu vực trú bão. Ngành NN&PTNT tổ chức đăng ký, đăng kiểm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển theo hướng đa nghề trên một đơn vị thuyền; tập trung thực hiện tốt công tác dự báo thông tin, mở rộng ngư trường, hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân thành lập các tổ, đội đánh bắt, khai thác xa bờ trên biển nên sản lượng khai thác hàng năm của tỉnh ta luôn đạt khá.
Tính đến tháng 9-2011, toàn tỉnh có 2.563 chiếc tàu, thuyền đã được đăng ký, đăng kiểm, với tổng công suất 189.956 CV. Đa số tàu, thuyền của ngư dân đều được trang bị các phương tiện máy móc hiện đại như: Máy tầm ngư, định vị, bộ đàm, máy kéo lưới,... rất thuận lợi cho việc đánh bắt hải sản xa bờ dài ngày. Ở một số địa phương như Khánh Hội, Thanh Hải, Mỹ Tân của huyện Ninh Hải; Cà Ná, Phước Diêm, Phước Dinh của huyện Thuận Nam và Đông Hải của Tp.Phan Rang – Tháp Chàm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất lớn và nghề lưới hiện đại vươn ra đánh bắt khơi xa. Chính nhờ vậy mà sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh ngày một tăng. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2011, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh được trên 52 ngàn tấn, đạt 99,4% kế hoạch năm, tăng 12,3% so với cùng kỳ (trong đó, cá: 50.335 tấn; tôm: 350 tấn; mực: 1.250; hải sản khác: 750 tấn).
Bên cạnh sản lượng khai thác đạt khá, nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều kết quả khả quan. Trong 9 tháng, tại các vùng nuôi tôm An Hải, Phú Thọ, Sơn Hải, Đầm Nại đã thả giống nuôi 1.426 ha, trong đó có 100 ha tôm sú, 868 ha tôm thẻ chân trắng. Mặc dù tình hình thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn khẳng định được thế mạnh của mình, với năng suất khá cao từ 18 – 20 tấn/ha/vụ. Hiện nông dân đã thu hoạch 430 ha tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt 5.596 tấn; tôm sú thu hoạch 41ha, sản lượng đạt 145 tấn. Đặc biệt, với mục đích đa dạng hóa sản phẩm nuôi, ngành NN&PTNT đã duy trì và phát triển một số diện tích có điều kiện phù hợp để nuôi cá mú, cua, ghẹ với diện tích 10,5 ha, sản lượng đạt 5,1 tấn và phát triển nghề nuôi ốc hương thương phẩm tại một số địa phương như Khánh Hội, xã Tri Hải; Mỹ Tân, xã Thanh Hải (Ninh Hải), với 230 lồng và 13 ha diện tích ao đìa nuôi, sản lượng đạt 14 tấn. Tại một số khu vực như Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), Bình Sơn, Đông Hải (Phan Rang-Tháp Chàm) nghề nuôi tôm hùm cũng đang được duy trì và phát triển, với 407 lồng nuôi, sản lượng thu hoạch đạt 17,2 tấn. Một số nghề như nuôi cá nước ngọt, trồng rong sụn cũng đang phát triển ở một số huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, với trên 320 ha. Cùng với đó, việc sản xuất giống thủy sản cũng đang có bước phát triển mới. Theo quy hoạch, hiện tỉnh ta có 2 vùng sản xuất giống tập trung là An Hải (Ninh Phước), Nhơn Hải (Ninh Hải) và 2 khu vực sản xuất rải rác đó là Cà Ná (Thuận Nam) và Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải), với tổng số 430 cơ sở/1.000 trại đang hoạt động. Tổng sản lượng giống mà các cơ sở sản xuất trong 9 tháng năm 2011 đạt 11,965 tỷ con, vượt 8,8% kế hoạch và tăng 36,2% so với cùng kỳ. Trong đó, có 350 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 11,85 tỷ con tôm post; 70 cơ sở sản xuất giống ốc hương, sản lượng nhuyễn thể đạt 100 triệu con và 10 cơ sở sản xuất giống tu hài, với sản lượng nhuyễn thể 15 triệu con.
Bước phát triển của ngành Thủy sản tỉnh ta không chỉ thể hiện ở chỗ ngư dân đã đầu tư đóng tàu lớn, hình thành các tổ hợp tác để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày và liên kết giữa các khâu khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá, mà thực tế cho thấy từ năm 2006 đến nay, nuôi trồng thủy sản (NTTS) cũng có dấu hiệu khởi sắc hơn. Trong đó đáng chú ý là hiệu quả kinh tế của con tôm thẻ chân trắng mang lại cho người dân. Đối với con tôm sú, tuy mới khôi phục lại, diện tích chưa nhiều, song kết quả cũng phấn khởi. Còn trong sản xuất con giống, đến nay thương hiệu tôm giống Ninh Thuận đã được các nơi biết đến. Hiện tại, ngoài việc Bộ NN&PTNT đã xây dựng Trung tâm sản xuất và kiểm định tôm giống chất lượng cao, tỉnh ta còn có nhiều doanh nghiệp đã và đang đến đầu tư để sản xuất tôm giống cung cấp cho khu vực và cả nước. Đặc biệt, cuối tháng 9- 2011 vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh ta cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương, Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương và Công ty Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre bày tỏ quyết tâm muốn được đầu tư xây dựng Dự án Nuôi tôm thẻ giống bố mẹ sạch bệnh mang thương hiệu Ninh Thuận và xây dựng một nhà máy chế biến thức ăn nuôi tôm trên diện tích khoảng 10 đến 20 ha tại khu vực Sơn Hải. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ngành thủy sản tỉnh nhà.
Với mục tiêu đưa ngành Thủy sản tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững, thời gian tới, ngoài việc phối hợp các địa phương chỉ đạo bà con phát triển NTTS theo hướng nâng cao chất lượng giống, hạn chế những rủi ro do dịch bệnh, ngành NN&PTNT tiếp tục triển khai Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung Ninh Phước-Ninh Thuận, với quy mô 125 ha, công suất tối đa của toàn vùng 10 tỷ con tôm giống các loại và Dự án Đầu tư hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thủy sản Nhơn Hải-Ninh Phước, với quy mô toàn vùng 158 ha. Bên cạnh đó, ngành còn xây dựng đề án phát triển giống thủy sản đến năm 2015, quy hoạch chi tiết NTTS đến năm 2020. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, hàng năm ngành phối hợp các địa phương xây dựng kế hoạch NTTS theo mùa vụ cụ thể. Xây dựng các giải pháp thực hiện kế hoạch để chỉ đạo việc tổ chức sản xuất NTTS theo hướng thành lập các tổ cộng đồng. Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý chất lượng tôm giống, các loại thú y thủy sản, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi theo định kỳ 2 lần/tháng. Trong khai thác thủy sản, tiếp tục vận động ngư dân thành lập các tổ hợp tác, đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, ứng dụng khoa học- kỹ thuật, nâng cao trình độ khai thác, đồng thời từng bước đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng và hệ thống dịch vụ nghề cá, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lợi, kết hợp với bảo vệ môi trường ven biển, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Văn Thanh