(NTO) Những năm qua, cùng với việc phối hợp Trung tâm Ứng dụng KHCN (Sở KHCN) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các mô hình như: Mô hình thâm canh cây bắp giống G49; thâm canh lúa nước giống TH6; mô hình thâm canh cây sắn xen họ đậu; mô hình thâm canh điều ghép xen cây họ đậu cho đồng bào Raglai, xã vùng cao Ma Nới và các dự án KHCN nông nghiệp về các mô hình khuyến nông như: Mô hình nuôi cừu sinh sản tại xã Hòa Sơn; mô hình sản xuất giống bắp lai và giống lúa thuần ở xã Mỹ Sơn..., huyện Ninh Sơn còn từng bước đầu tư kinh phí cho các hộ dân để tham gia thực hiện và nhân rộng các đề tài, dự án KHCN như: Mô hình “ba giảm, ba tăng”; nuôi heo địa phương (heo đen), nuôi gà H’Mông, trồng rau an toàn ở các xã Lâm Sơn, Lương Sơn, Mỹ Sơn..., đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm của địa phương.
Nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật, nhiều nông dân ở Ninh Sơn đã mạnh dạn đầu tư phát triển
các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.Trong ảnh: Ông Chamaléa Gia Thiều,
dân tộc Raiglai ở thôn Gòn, xã Lâm Sơn chăm sóc vườn mít của gia đình.
Đồng chí Phan Kế Vũ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn cho biết: Hiệu quả mang lại từ các dự án KHCN triển khai trên địa bàn thời gian qua là khá khả quan, ngoài việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò quan trọng của khoa học- kỹ thuật, còn giúp nhân dân tiếp cận được các phương thức sản xuất mới, tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng cây trồng và bảo vệ môi trường. Đơn cử như mô hình “ba giảm, ba tăng” sau hơn hai năm triển khai trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ rệt. So với cách trồng lúa truyền thống trước đây, mô hình đã giúp nông dân tiết kiệm được gần 2,5 triệu đồng/ha, nhưng năng suất và chất lượng lại cao hơn rất nhiều, bình quân đạt 58 tạ/ha và hiện đang được triển khai rộng rãi để nông dân trong huyện áp dụng. Hay như mô hình nuôi heo địa phương, năm 2008 với mục đích giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi tiếp thu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, huyện Ninh Sơn đã chọn 15 hộ gia đình ở xã Lâm Sơn để triển khai nuôi 42 con heo đen. Qua hơn 2 năm nuôi, từ 42 con ban đầu, đến nay đã phát triển lên được trên 200 con. Các hộ nuôi ban đầu đã thanh lý hợp đồng và chuyển giao tiếp cho 14 hộ nghèo khác nhận nuôi với 28 con. Mô hình này hiện đang được người dân địa phương áp dụng, nhờ đó đã mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ nghèo, đồng thời tạo thói quen để bà con bỏ dần tập quán chăn nuôi thả rong, góp phần bảo vệ môi trường, tạo mỹ quan trong khu dân cư.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Ninh Sơn tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào sản xuất và đời sống trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nhất là phát triển nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững trong xu hướng hội nhập. Để thực hiện tốt các vấn đề trên, cùng với việc khai thác thế mạnh sẵn có để quy hoạch, định hướng sản xuất, huyện Ninh Sơn sẽ tập trung đưa hoạt động KHCN hướng mạnh về cơ sở. Coi KHCN là yếu tố quan trọng mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, huyện chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở đáp ứng yêu cầu đề ra. Chủ động liên kết với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN, Sở NN&PTNN và các đơn vị như Công ty Mía đường Phan Rang, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư... để chuyển giao cho nông dân những giống cây trái, vật nuôi phù hợp với từng vùng để khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Văn Thanh