(NTO) Do đó đất được đào rãnh sâu, luống cao, chiều ngang rộng hơn các vụ khác trong năm, nhất là nền đất không được xới xáo cho tơi xốp như mùa hè để tránh đất hút nhiều nước gây ngập úng. Trong quá trình làm đất cần kết hợp bón lót phân chuồng, rải vôi sống và tăng lượng phân lân cho đất nhằm khử chua, tăng độ phì và giữ ẩm cho đất.
Sau khi làm đất, phủ bạt cho đất để giữ ẩm, chống xói mòn rửa trôi cũng như tiết kiệm phân bón, thuốc trừ sâu, hạn chế cỏ dại… Đất sau khi lên luống, phủ bạt xong phải ủ từ 3 đến 7 ngày cho phân hoai mục mới gieo giống. Tùy chân đất mà chọn loại cây trồng thích hợp.
Đối với đất chuyên trồng cây rau màu chọn cây khổ qua vì loại cây này cho thu hoạch trong thời gian dài tùy vào mức độ đầu tư.
Đối với chân đất trồng 2 lúa, 1 màu, bà con chủ yếu chọn dưa leo, hoặc đậu co-ve để trồng vì sau 60-75 ngày có thể kết thúc, chuyển sang xuống giống lúa vụ đông-xuân. Cây dưa leo thường được trồng trên đất phủ bạt, hạt giống được gieo vào các lỗ đục sẵn, cho thêm vào đó một ít vỏ trấu. Trấu có vai trò trong việc ngăn ngừa hạt giống trồi lên nếu gặp mưa, giữ ấm và ngăn nước mưa tác động trực tiếp vào cây mầm. Còn trong điều kiện nắng nóng, trấu vẫn giữ được độ thông thoáng giúp cho hạt giống nẩy mầm bình thường. Có thể trồng theo cách truyền thống, đó là dùng rơm rạ phủ lên luống cây như trồng đậu co-ve vì khả năng chống chịu của loại cây trồng này khá tốt. Rơm rạ che chở cho cây con còn là nguồn bổ sung phân hữu cơ cho cây trồng.
Ở những chân đất trũng thấp hơn, chủ động ươm giống trong túi bầu để trồng, vừa rút ngắn thời gian sinh trưởng, đảm bảo lịch thời vụ, vừa khắc phục được hạn chế do đất còn ướt không gieo giống trực tiếp được.
Đối với các loại cây ăn lá như cải, xà lách, tiến hành gieo giống thành nhiều đợt. Cách làm này giúp tranh thủ được thời tiết, công lao động, làm đất tới đâu, gieo hạt đến đó. Điều quan trọng hơn là giúp tránh được việc phải thu hoạch cùng lúc quá nhiều, gây khó khăn cho việc tiêu thụ.
LĐ (tổng hợp)