Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em

Ngày 27/10, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em: thực trạng, thách thức và giải pháp”.

Đồng chí Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì Hội thảo.

 Toàn cảnh Hội thảo phòng chống tai nạn thương tích trẻ em (Ảnh: KT)

20 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích/ngày

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Chu Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo khẳng định: Trong thời gian qua, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, trong đó đối tượng trọng tâm chính là trẻ em. Với sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2010 về chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho trẻ em đã đạt và vượt. Tuy nhiên, trên thực tế, một số quyền trẻ em có lúc, có nơi chưa được thực hiện tốt, một số chỉ tiêu đến năm 2010 về bảo vệ trẻ em của Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001- 2010 và Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010 có khả năng không đạt. Đặc biệt, gần đây tình trạng tai nạn thương tích trẻ em có xu hướng tăng lên và thậm chí đã cướp đi mạng sống của trẻ em cũng như để lại những hậu quả nặng nề đến cuộc sống và phát triển của trẻ em.

Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, tai nạn thương tích trẻ em đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Trong 5 năm qua, mỗi ngày trên thế giới có khoảng 2.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Tại Việt Nam, bình quân mỗi ngày có khoảng 19 - 20 trẻ tử vong. Các nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ tử vong do tai nạn thương tích gồm: tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông, do bỏng và ngã. Hầu hết trẻ bị tai nạn thương tích do sự bất cẩn của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Ngoài ra còn do môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng chưa có biện pháp can thiệp…

Đồng chí Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cho biết thêm, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân gây nhập viện hàng đầu, là nguyên nhân chính gây tàn phế, làm mất khả năng sống tiềm tàng ở trẻ em. Trong vòng 10 năm, từ 2001- 2010, số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích trong độ tuổi từ 0-19 tuổi có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây 2006 - 2010, số lượng và tỷ suất mắc tai nạn thương tích trẻ em qua các năm có diễn biến bất thường và vẫn ở mức rất cao so với tai nạn thương tích nói chung. Theo thống kê năm 2010, vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ suất trẻ em tai nạn thương tích cao nhất, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Trong số các nguyên nhân gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, ông Nguyễn Trọng An khẳng định: Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây chết trẻ em ở các nhóm tuổi trẻ từ 0-19 tuổi. Trong 5 năm qua, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 10 trẻ em bị chết đuối. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ đắm tàu, thuyền nghiêm trọng cướp đi nhiều sinh mạng của các em, điển hình như vụ đắm đò ở Cà Tang (Quảng Nam) làm chết 18 em, ở bến Chôm Lôm (Nghệ An) làm chết 19 em, chìm Nhà hàng du lịch Dìn Ký ở sông Sài Gòn làm chết 5 em…

“Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2005-2007, ước tính tổng chi phí cho các dịch vụ cấp cứu, điều trị, phục hồi chức năng, mất khả năng lao động, tử vong do tai nạn thương tích gây ra khoảng 30.000 tỷ đồng/năm; trong đó chi phí ước tính chi tiêu quốc gia cho tai nạn thương tích trẻ em và tử vong trẻ em do tai nạn thương tích hàng năm khoảng 11.000 tỷ đồng.” - ông Nguyễn Trọng An nói.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi nhận thức

Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ chăm sóc trẻ em, hiện nay công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em gặp nhiều thách thức. Đó là tình trạng bất bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các nhóm trẻ em gia tăng, vấn đề suy dinh dưỡng thể thấp còi, chất lượng giáo dục và tình trạng bỏ học, sân chơi trẻ em ít hơn sân chơi người lớn… Bên cạnh đó là thiếu khung pháp lý toàn diện về bảo vệ trẻ em, một số quy định của Luật pháp còn chưa cụ thể, còn nhiều khoảng trống dẫn đến tình trạng hiểu biết về công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em còn hạn chế. Đặc biệt là nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ chăm sóc trẻ em còn rất thấp so với GDP hoặc chi tiêu của Chính phủ. Ông Nguyễn Hải Hữu cũng chỉ ra thực tế là tại Việt Nam tỷ lệ nhân viên công tác xã hội so với dân số nói chung, công tác xã hội trẻ em nói riêng rất thấp khoảng 1/10.000 dân, trong khi nhiều nước đạt mức 1/2.000 dân.

Ông Hữu đã chỉ ra 6 hoạt động chủ yếu cần thực hiện để bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đó là, cần tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách, chương trình hiện có; nghiên cứu, xây dựng trình ban hành các Luật, chính sách, chương trình mới; thúc đẩy toàn dân tham gia bảo vệ chăm sóc trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong việc bảo vệ chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đánh giá cao vai trò của giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức, đồng chí Chu Văn Đạt, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Giải pháp quan trọng hàng đầu chính là công tác thông tin, giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp dân cư trong cộng đồng, nhà trường, gia đình và trẻ em. Do vậy, các cơ quan truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác này.”

Bàn về biện pháp phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho rằng, cần thiết phải có một chương trình phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em với các mô hình ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn với mọi trẻ nhỏ. Đối với hoạt động truyền thông phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2011- 2015, ông Nguyễn Trọng An cũng cho rằng cần đặc biệt tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục và phát triển các kỹ năng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho các đối tượng chăm sóc trẻ và cho trẻ em.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam