Trưởng trạm y tế nhiệt tình với công tác chăm sóc SKSS

Phước Vinh tuy là xã thuộc diện khó khăn của huyện Ninh Phước, nhưng từ trước đến nay, công tác chăm sóc SKSS vẫn luôn được quan tâm.

(NTO) Đặc biệt, từ khi có sự hỗ trợ của Dự án Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ SKSS, hiệu quả của công tác này càng rõ rệt hơn. Hiện nay, xã không còn tình trạng sản phụ sinh tại nhà; mỗi chị em khi mang thai đều tự giác đến khám thai định kỳ tại trạm y tế; phụ nữ, vị thành niên, thanh niên đều nhiệt tình, tự nguyện tham gia các buổi sinh hoạt truyền thông về SKSS… Để có được những kết quả đó, có một phần đóng góp không nhỏ của chị Trần Thị Nam, Trưởng Trạm y tế xã, cán bộ chuyên trách dự án và là y sĩ sản nhi tâm huyết, nhiệt tình.

Chị Nam hướng dẫn chăm sóc SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi mang thai.

Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của chị Nam, đội ngũ cộng tác viên dự án ở xã Phước Vinh hoạt động rất tích cực. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, cộng tác viên ở các thôn luôn theo dõi tình hình sức khỏe các sản phụ và thường xuyên báo cáo thông tin kịp thời về trạm. Xã có 1 cô đỡ thôn bản là người dân tộc Raglai ở thôn Liên Sơn 2 đã đỡ đẻ thành công và hỗ trợ chuyển tuyến kịp thời cho nhiều sản phụ sinh khó. Không chỉ làm công tác chuyên môn tại trạm, bất kể khi nào có người gọi, dù là đang đêm hay mưa lũ, sản phụ không thể tới trạm sinh, chị cũng sẵn sàng đến tận nhà giúp họ. Chị kể: “Mùa lũ, chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn “đồ nghề” và ở trong tư thế sẵn sàng để đi vì có những thôn phải qua suối, trời mưa nước dâng cao sản phụ không thể tới trạm được. Cũng có lúc phải lội nước ngập nửa người, giữa đêm mưa rét… nhưng nghĩ đến tính mạng của sản phụ, lương tâm nghề nghiệp lại thôi thúc mình...”. Cũng chính từ những khó khăn, những lần trải nghiệm nghề nghiệp ấy, chị Nam càng đúc rút thêm cho mình được những kinh nghiệm quý báu. Những kinh nghiệm ấy chính là hành trang cho chị thêm những sáng kiến trong công việc để làm tốt hơn. “Quỹ Chuyển tuyến” chính là một trong những sáng kiến của chị. Từ thực trạng giao thông ở địa phương đi lại khó khăn, khoảng cách từ xã lên trung tâm huyện xa, trong khi phương tiện đi lại của người dân hạn chế, chị đã đề xuất với UBND xã thành lập Quỹ Chuyển tuyến. Nguồn quỹ dựa vào sức đóng góp của cộng đồng để chủ động kịp thời đưa những ca sinh khó thuộc diện hộ nghèo hoặc cận nghèo không có điều kiện thuê phương tiện lên tuyến trên. Chị Nam cho biết: “Những năm qua, Quỹ Chuyển tuyến đã thực sự phát huy được hiệu quả vì đã chuyển tuyến kịp thời nhiều ca sinh khó. Với cách làm này cùng với sự nhiệt tình, cách xử lý khéo léo, kịp thời chuyển bệnh nhân lên tuyến trên của thầy thuốc, trạm y tế chúng tôi ngày càng tạo được niềm tin cho bà con nhân dân trong xã”.