(NTO) Ở tỉnh ta, Nhà nước đã đầu tư khá nhiều cơ sở vật chất cho các trung tâm TDTT huyện, thành phố nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Từ thực tế chung, 5 năm qua, tỉnh ta tích cực phát động phong trào xã hội hóa trong TDTT và bước đầu có nhiều khởi sắc.
Những mô hình xã hội hóa
Tại Câu lạc bộ (CLB) Thể hình-Sân vận động tỉnh, thường xuyên có số lượng lớn thanh niên tham gia tập luyện. Đây là một CLB do tư nhân bỏ tiền ra đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập thể hình. Theo anh Lê Hùng Vy, Chủ nhiệm CLB cho biết: “Bình quân mỗi ngày có từ 150-200 người đủ mọi thành phần tham gia luyện tập. Mỗi tháng chỉ đóng 50.000 đồng/người, nên CLB thu hút đông người dân tham gia”. Cùng với đó, đầu tư sân bóng đá mi-ni, cỏ nhân tạo cũng đang thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 sân bóng đá mi-ni, cỏ nhân tạo của Phương Nam và Khang Ninh đưa vào sử dụng. Bình quân mỗi sân đầu tư trên 1 tỷ đồng, thu hút khá đông vận động viên “môn vua” tham gia. Anh Nguyễn Trần Nam, phường Đạo Long (Phan Rang-Tháp Chàm), cho biết: “Từ khi có sân cỏ mi-ni, nhóm mình gồm 10 người, thuê sân mỗi tuần đá 3 buổi. Với giá thuê 150.000 đồng/trận. Mỗi người trong nhóm chỉ bỏ ra có 15.000 đồng trả tiền sân, quá rẻ so với chơi các môn thể thao khác.”. Và sắp tới, sẽ có thêm 4 sân bóng đá mi-ni, cỏ nhân tạo đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu chơi thể thao của người dân, đặc biệt là thanh-thiếu niên.
Thi đấu bóng đá trên sân cỏ nhân tạo Phương Nam do Công ty TNHH Thương mại
và Dịch vụ ăn uống Phương Nam đầu tư xây dựng. Ảnh: Phan Bình
Đỉnh điểm là ngày 7-10, tại Sân vận động tỉnh diễn ra trận thi đấu bóng đá giao hữu quốc tế giữa U 21 Việt Nam – U 21 Thái Lan. Lần đầu tiên một doanh nghiệp trong tỉnh đã đứng ra tài trợ toàn bộ kinh phí để tổ chức trận đấu. Ngoài mục đích gây quỹ từ thiện để hỗ trợ các cháu bệnh nhân nghèo mổ tim; sự kiện này còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Ninh Thuận đến với du khách trong và ngoài nước; đáp ứng nhu cầu được xem trực tiếp trận thi đấu bóng đá quốc tế tại tỉnh.
Khi đời sống người dân được nâng lên thì vấn đề bảo vệ sức khỏe ngày càng được quan tâm. Số người tham gia luyện tập TDTT không còn giới hạn ở thành thị mà đã lan rộng đến nông thôn.
TDTT khi xã hội vào cuộc
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU về việc phát triển TDTT đến năm 2010, Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và Quyết định số 100/2005/QĐ-TTg ngày 10-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển TDTT xã, phường, thị trấn đến năm 2010, phong trào TDTT của tỉnh đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trên nhiều mặt. Quy mô, chất lượng TDTT ngày càng phát triển theo hướng xã hội hóa, đã thu hút được mọi đối tượng trong tỉnh hưởng ứng tham gia. Nét nổi bật trong hoạt động TDTT quần chúng những năm qua là sự tăng nhanh về số lượng người tham gia trong tất cả đối tượng, lứa tuổi, nhiều hình thức tập luyện TDTT tự nguyện. Tỷ lệ dân số tập luyện TDTT thường xuyên tăng từ 16,7% (năm 2007 ) lên 20% năm 2010. Chủ trương xã hội hóa trong hoạt động TDTT bước đầu được coi trọng, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị TDTT được các tổ chức và cá nhân tự nguyện đóng góp xây dựng. Mỗi năm thu hút được hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội dành cho hoạt động TDTT. Hiện nay, toàn tỉnh có 83 sân bóng đá, 263 sân bóng chuyền, 20 sân quần vợt, 48 sân cầu lông, 87 phòng tập bóng bàn, 6 bể bơi, 91 phòng bi-da, 469 CLB TDTT, tụ điểm… Công tác vận động tài trợ cho các đội thể thao tập luyện và thi đấu ở cơ sở (xã, phường, thị trấn) được nhân dân, các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đóng góp tích cực.
CLB Thể hình Kiến Càng- Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh
thu hút nhiều thanh niên đến tập luyện. Ảnh: V.M
Phong trào toàn dân tham gia phát triển TDTT ở cơ sở được đẩy mạnh, nhiều địa phương huy động được sức dân và kinh phí hàng trăm triệu đồng hàng năm để tu sửa, xây dựng sân chơi, bãi tập và hỗ trợ kinh phí cho hoạt động TDTT như: Ninh Hải, Ninh Phước, Phan Rang-Tháp Chàm… Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ký kết liên tịch nhiều ngành cùng phối hợp đẩy mạnh các hoạt động TDTT. Hàng năm, tổ chức thi đấu nhiều giải từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, bao gồm các bộ môn như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, quần vợt, điền kinh… Đồng thời phối hợp với các sở, ngành của tỉnh tổ chức nhiều hội thao. Nhờ có sự phối hợp tích cực của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, trung bình hàng năm Sở VH, TT&DL đã tổ chức 190 giải cấp xã, 50 giải cấp huyện, 12 giải cấp tỉnh và trên 20 giải do ngành phối hợp với các tổ chức khác. Chất lượng giải TDTT cũng được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian qua, tỉnh ta rất chú trọng đến việc khôi phục và phát triển các môn TDTT truyền thống, mang đậm tính dân gian nhờ có sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Chính những hoạt động trên từng bước khôi phục các môn thể thao truyền thống như đua thuyền, bắn nỏ, kéo co… Hình thành được hệ thống thi đấu các môn thể thao dân tộc từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh và hình thành các đội tuyển tham dự các giải thể thao các dân tộc thiểu số khu vực và toàn quốc mang về nhiều huy chương cho tỉnh. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa hoạt động TDTT của tỉnh chưa phát triển rộng khắp. Bước đầu chỉ mới triển khai thực hiện vùng đồng bằng, thị trấn, thành phố, nơi có điều kiện kinh tế phát triển.
Huy động nhiều nguồn lực tham gia
Ngày 31-8-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/2011/CT-UBND về việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đây sẽ là cơ sở để tỉnh ta phát triển mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa TDTT. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước về xã hội hóa, làm cho mọi người, đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng có nhận thức sâu sắc và đầy đủ về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao. Kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác xã hội hóa, đồng thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình tiêu biểu. Tạo điều kiền cho các tầng lớp xã hội, nhất là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách, nhân dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao mức hưởng thụ, tập luyện TDTT.
Trận bóng đá giao hữu quốc tế giữa U 21 Việt Nam và U 21 Thái Lan
trên sân vận động tỉnh. Ảnh: Duy Anh
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng lộ trình chuyển các cơ sở TDTT công lập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ; chuyển một số cơ sở TDTT công lập có đủ điều kiện sang loại hình TDTT ngoài công lập. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân hình thành các cơ sở TDTT ngoài công lập và thành lập các tổ chức xã hội về TDTT. Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư một số hạng mục công trình thuộc khu liên hợp TDTT của tỉnh; khuyến khích xây dựng các CLB, các điểm TDTT ở các cơ quan, doanh nghiệp, các xã, phường, thị trấn đặc biệt là ở nông thôn. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập các liên đoàn, CLB các bộ môn thể thao có thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp hóa; cải tiến hệ thống thi đấu thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, từng bước chuyển công tác tổ chức thi đấu thể thao cho các liên đoàn thể thao, các tổ chức xã hội về TDTT, các đơn vị kinh tế có đủ năng lực; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí để tổ chức các giải thể thao của tỉnh.
Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:
Thực hiện “xã hội hóa” để Nhà nước có điều kiện đầu tư tốt hơn cho việc xây dựng các chương trình, cơ sở vật chất mang quy mô quốc gia và quốc tế, hỗ trợ phát triển TDTT ở các vùng sâu, vùng xa, để toàn dân được thụ hưởng ích lợi của hoạt động TDTT. Vì vậy, các sở, ban, ngành, các địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa TDTT để các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, các đơn vị công lập, ngoài công lập và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ để thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hoá nói chung và xã hội hoá lĩnh vực TDTT nói riêng.
Ông Phan Quốc Anh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Nhìn từ một góc độ khác, xã hội hóa chính là động lực mạnh mẽ để chuyên nghiệp hóa các hoạt động thi đấu TDTT... Sắp tới tỉnh ta sẽ thành lập các liên đoàn, hiệp hội, các môn thể thao trọng điểm sẽ thu hút được nguồn lực mạnh từ xã hội. Điều này sẽ giúp gia tăng kinh phí hoạt động, đổi mới cơ cấu và bộ máy tổ chức, tạo sự năng động hơn trên bước đường phát triển. Việc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà nước về phát triển TDTT bao gồm cả việc đổi mới về thể chế, cải cánh hành chính cũng như thực hiện lộ trình chuyển đổi của các cơ sở TDTT công lập sang phương thức cung ứng dịch vụ công, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa. Theo đó, ngành sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp.
Ông Võ Thái Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Yến Việt:
Mô hình doanh nghiệp tham gia lĩnh vực TDTT không còn là điều mới mẻ. Một doanh nghiệp, khi đầu tư vào TDTT bên cạnh mục đích quảng bá thương hiệu của mình, chúng tôi rất cần được sự chia sẻ động viên của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong thời gian đến tỉnh cần ban hành các chính sách, cơ chế cụ thể trong việc kêu gọi, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực TDTT, có thế mới thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia. Về doanh nghiệp chúng tôi, sau thành công việc tổ chức trận giao hữu bóng đá quốc tế giữa U 21 Việt Nam và U 21 Thái Lan, trong năm 2012, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ để người dân trong tỉnh được xem trận giao hữu quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Nhật Bản, cũng như tham gia tài trợ nhiều hoạt động TDTT khác.
Xuân Bính (thực hiện)