Khi người dân bỏ tiền xây chợ

Hiện nay nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có chợ nhưng rất ít chợ đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Xây dựng. Chính vì vậy khi cựu chiến binh Đoàn Văn Sắc, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải) “dốc hầu bao” xây một ngôi chợ khang trang đã làm cho diện mạo bộ mặt nông thôn ở Hộ Diêm, xã Hộ Hải thay đổi.

(NTO) Chúng tôi ghé vào chợ Hộ Diêm đúng thời điểm bà con ở đây đang thu hoạch vụ hè-thu, chuẩn bị làm đất xuống giống vụ mùa. Tưởng là chợ quê ngày mùa đìu hiu, ai ngờ mới 6 giờ sáng mà cảnh “kẻ bán người mua” tấp nập như chốn thị thành. Anh Nguyễn Văn Trưởng, người ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải tranh thủ đi chợ sớm để kịp về ra đồng, thổ lộ: “Chợ Hộ Diêm vừa phục vụ hàng ngàn hộ dân trong vùng vừa là điểm đầu mối cung cấp hàng hóa cho các chợ nhỏ Gò Đền, Thủy Lợi (Tân Hải), Lương Cách (Hộ Hải)… nên mới đông đúc như vậy”.

Chợ nằm đầu thôn Hộ Diêm, cạnh quốc lộ 1A. Diện tích đất xây dựng chợ rộng 3.400 m2. Khu nhà lồng chính làm bằng sắt, mái lợp tôn màu xanh, rộng 800 m2, thu hút 70 tiểu thương bán các mặt hàng thực phẩm: cá, thịt, rau, củ, quả…Xung quanh nhà lồng là 12 ki-ốt xây kiên cố, dùng bán đồ gia dụng, có nhà vệ sinh riêng. Nước thải được xử lý ở mỗi khu vực, vì vậy mặc dù đang là mùa mưa nhưng chợ vẫn không bị đọng nước. Bốn mặt chợ đều có đường rộng 6 mét, nên hằng ngày người nhóm họp đông mà không ảnh hưởng đến giao thông.

Tiểu thương Nguyễn Thị Láng, bán hàng khô ở chợ cho biết: “Buôn bán ở đây rất an tâm. Chợ sạch sẽ, thuận tiện giao thông, lại có chỗ gởi xe”. Còn chị Nguyễn Thị Toàn, chủ sạp vải, bày tỏ: “Người quê đi chợ không chỉ sắm đồ ăn, thức uống, mà còn để gặp người thân họ hàng trò chuyện, trao đổi công việc đồng áng”.

Đồng chí Lê Hải Quân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hộ Hải cho biết, trước đây chợ Hộ Diêm ở giữa thôn. Do xây dựng đã . lâu nên xuống cấp, chợ chỉ rộng có 300 m2. Đã vậy, tiểu thương cơi nới các gian hàng lấn chiếm lề đường, khiến cho nhiều người dân khó khăn mỗi lần vận chuyển nông sản qua đây. Năm 2006, UBND xã kêu gọi các cá nhân, tổ chức đầu tư xây lại chợ. Một số người lúc đầu hăng hái đăng ký, nhưng sau đó bỏ luôn vì sợ đầu tư vào khó thu hồi vốn. Chỉ mỗi anh Sắc mới dám bỏ ra số tiền 800 triệu đồng để xây chợ.

Chuyện Anh Sắc xây chợ làm cho người thân lo lắng, bởi khu đất mà anh hợp đồng thuê của chính quyền địa phương khai thác sử dụng trong vòng 20 năm là vùng trũng, chỉ cần qua một cơn mưa nhỏ nước từ trong thôn chảy vào đọng lại thành ao lớn. Nhưng điều lo nhất là địa điểm xây dựng cách chợ cũ 500 m, sợ làm xong chợ ít người đến buôn bán. “Biết vậy, nhưng để dân mình khổ cực không đành, nên tôi quyết tâm làm bằng được” - Anh Sắc thổ lộ.

Sau 7 tháng ròng thuê xe đổ hàng trăm khối đất san lấp mặt bằng, làm đường, xây dựng, cuối cùng giáp Tết cổ truyền năm 2007 chợ cũng kịp khánh thành đưa vào sử dụng. Ngày đầu nhóm họp, một số tiểu thương do buôn bán quen ở chợ cũ không chịu chuyển đến nơi mới, làm cho anh đứng ngồi không yên. Nhưng rất may chỉ ít ngày sau đó, dân địa phương đi làm ăn ở xa về quê ăn tết thấy thôn mình có chợ mới vui mừng rủ nhau vào tham quan, mua bán, vì thế chợ ngày càng đông đúc.

Hiện nay, hằng ngày anh Sắc thu mỗi sạp bán rau từ 5 đến 7 ngàn đồng, cá, thịt 10 ngàn đồng, ki-ốt 15 ngàn đồng. Để đảm bảo cho chợ hoạt động ổn định, anh thuê 5 nhân công túc trực bảo vệ, giữ xe, làm vệ sinh…“Nhẩm tính mỗi tháng sau khi trừ chi phí thu lời từ 5 đến 7 triệu đồng. Lỗ lãi chẳng đáng bao nhiêu so với đồng vốn bỏ ra, cái chính là phục vụ nhu cầu mua bán của bà con mình” – anh Sắc cười, nói.