Thế giới tròn 7 tỷ người - Phát sinh nhiều thách thức

Ngày 26-10, Quỹ dân số LHQ (UNFPA) công bố báo cáo thường niên về bức tranh toàn cảnh dân số thế giới. Trang web www.7billionactions.org của quỹ này cũng đang đặt đồng hồ tính đến ngày 31-10, ngày mà theo ước tính, thế giới sẽ đón công dân thứ 7 tỷ.

Môi trường sống bị đe dọa

Người dân thứ 1 tỷ trên Trái đất xuất hiện vào năm 1804. Chỉ hơn một thế kỷ sau đó, dân số thế giới đã đạt 2 tỷ người năm 1927 và 3 tỷ người năm 1959, 4 tỷ người năm 1974, 5 tỷ người năm 1987, 6 tỷ người năm 1999 và năm nay là 7 tỷ người. Theo Chủ tịch Ủy ban các vấn đề dân số của LHQ Roger Martin: “Trái đất không thật sự đủ sức duy trì 7 tỷ con người”. Dân số tăng là mối đe dọa trực tiếp đến môi trường sống.

Tỷ lệ tăng dân số thế giới ngày càng khó kiểm soát.

Theo báo cáo của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), phân nửa rừng nguyên sinh trên địa cầu đã bị xóa sổ và thủy hải sản cũng có thể cạn kiệt vào giữa thế kỷ này vì nhu cầu của con người.

Con người nhận quá nhiều đặc ân của tự nhiên như hưởng gần 40% năng lượng quang hợp để tạo ra thực phẩm, hay hơn một nửa lượng nước ngọt có thể tái tạo. Nhưng, chính con người lại tàn phá tự nhiên khủng khiếp nhất. Kết quả là môi trường sống của con người và hàng triệu loài khác bị đe dọa nghiêm trọng. Đặc biệt, nguồn nước sạch lại trở thành vấn đề cấp bách của thế giới hiện đại trong khi nhu cầu cơ bản nhất của con người là ăn uống.

Kinh tế xáo trộn

Thách thức đầu tiên là khoảng cách giàu nghèo không ngừng gia tăng. Gần một nửa dân số thế giới đang sống dưới mức 2 USD/ngày. Hơn 800 triệu người đang sống trong các khu tồi tàn và cũng từng đó người, chủ yếu là phụ nữ, bị mù chữ. Sự gia tăng dân số đặt ra nhiều thách thức vì nguồn tài nguyên có hạn. Trước tiên là làm thế nào để đảm bảo đủ lương thực cho số dân mới được sinh ra. UNFPA ước tính trên thế giới có khoảng 1 tỷ người lâm vào tình trạng thiếu lương thực.

Phân nửa trẻ em ở châu Phi và Nam Á bị suy dinh dưỡng do đói kinh niên. Trong khi thế giới sản xuất được 2,3 tỷ tấn ngũ cốc (vào giai đoạn 2009 – 2010), đủ nuôi sống 9 - 11 tỷ người thì chỉ có 46% số đó được con người tiêu thụ. Số còn lại dùng để chăn nuôi, hay đưa vào các nhà máy để sản xuất nhiên liệu sinh học, tinh bột và nhựa.

Mất cân bằng xã hội

Kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1961, đất canh tác hiện tại dù có tăng thêm 13%, nhưng dân số lại tăng gấp đôi so với thời điểm ấy, làm dấy lên mối lo ngại về an ninh lương thực. Thêm vào đó, dân số thành thị ở các nước đang phát triển vẫn giữ đà tăng (cứ 5 ngày có thêm 1 triệu người) khiến đất canh tác bị thu nhỏ, nhường chỗ cho đô thị phát triển. Tỷ lệ nghịch với tốc độ đô thị hóa, dân số già đang có chiều hướng tăng lên.

Hiện nay, tuổi thọ bình quân trên thế giới khoảng 70 tuổi. Dân số thế giới đang tăng đều đặn 1,1% mỗi năm, nhưng số người trong tuổi lao động lại đang giảm đi. Song song đó, việc mất cân bằng giới tính đang trở thành một vấn nạn, mà Ấn Độ là nước dẫn đầu.

Tỷ lệ chênh lệch giới giữa các bé gái so với bé trai dưới 6 tuổi ở nước này là 914/1.000. Bình đẳng giới vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Điển hình là vẫn còn 215 triệu phụ nữ ở các nước đang phát triển chưa được hưởng chế độ đảm bảo sức khỏe sinh sản, trong khi số tiền dành cho việc này là 6,7 tỷ USD mỗi năm.

7 tỷ người sẽ tạo ra 7 tỷ cơ hội, nhưng cũng có quá nhiều thách thức. Đây cũng là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu dân số và phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia, cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn Báo SGGP Online