Buôn có bạn, bán có phường
Hiệp định mới vừa ký kết sẽ thay thế thỏa thuận thương mại tự do ký năm 1994 đã lỗi thời do phần lớn các quốc gia trong đó có Nga không phê chuẩn. Cũng tại cuộc họp Hội đồng Thủ tướng SNG, thủ tướng các nước này đã ký gói văn kiện bao gồm gần 30 hiệp định, trong đó có hiệp định về những nguyên tắc chính sách cơ bản trong lĩnh vực điều tiết và kiểm soát tiền tệ, hiệp định về thành lập hệ thống thanh toán thống nhất của công dân các nước thứ ba vào lãnh thổ SNG.
Việc ký kết thành lập Khu vực thương mại tự do SNG trong đó có Ukraine được thực hiện chỉ bị Liên minh châu Âu từ chối gặp gỡ bàn về tự do thương mại song phương vì phản đối việc kết án nhà lãnh đạo đối lập ở Ukraine, bà Yulia Tymoshenko.
Lãnh đạo các quốc gia SNG tham dự phiên họp tại St.Petersburg.
Thủ tướng Nga Putin tuyên bố, việc thành lập khu vực thương mại tự do trên lãnh thổ SNG không trái với những tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và ông nêu rõ việc ký kết hiệp định này sẽ cho phép mở ra những thị trường thương mại mới, dỡ bỏ nhiều trở ngại và tạo ra bước tiến về chất trong sự phát triển các mối quan hệ kinh tế trong SNG. Việc này sẽ đặt nền móng vững chắc để tiếp tục hoàn thiện Cộng đồng các quốc gia độc lập.
Theo Thủ tướng Nga Putin, các nước còn lại trong SNG là Azerbaijan, Uzeberkistan và Turkmenistan có thể thông qua quyết định gia nhập khu vực thương mại tự do vào cuối năm nay. Nửa đầu năm nay kim ngạch thương mại giữa các nước SNG đã tăng 48% và vượt 134 tỷ USD.
Phát biểu sau lễ ký kết, Thủ tướng Nga Putin nói: “Nếu chúng ta phát triển với tốc độ như thế mà không có hiệp định tự do thương mại thì không thể tưởng tượng được sự hợp tác sẽ đi đến đâu khi chỉ dựa vào từng người một”. Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov cho biết Hiệp định thương mại tự do mới chính thức có hiệu lực vào tháng 1 năm sau.
Thuận lợi mở rộng Liên minh Á-Âu
Khu vực thương mại tự do SNG ra đời trong bối cảnh nền kinh tế nhiều nước châu Âu đang đau đầu với bài toán nợ công và suy thoái kinh tế. Đây được cho là một trong những thách thức của các nước SNG. Theo báo cáo của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nền kinh tế các quốc gia mới nổi tại châu Âu sẽ chững lại trong năm 2012. Tỷ lệ tăng trưởng tại khu vực Đông và Nam Âu sẽ chỉ đạt mức 1,6%-1,7% trong năm 2011.
Các chuyên gia phân tích nhận định, trong bối cảnh hiện nay, “di chứng” cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn đang khiến nhiều nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng, sự hợp sức của SNG sẽ tạo đòn bẩy để khu vực lấy lại đà tăng trưởng. Hiệp định thương mại tự do mới ra đời không những chỉ góp phần thúc đẩy thương mại giữa các thành viên khối SNG mà còn tạo cơ hội tiến tới mở rộng Liên minh Á-Âu dựa trên ý tưởng của Thủ tướng Putin.
Liên minh Á-Âu được đặt trên cơ sở liên minh thuế quan hiện nay gồm 3 nước Nga, Belarus, Kazakhstan và thêm Kyrgyzstan vừa được kết nạp đã tạo một không gian kinh tế chung và trở thành một thị trường rộng lớn có sự thống nhất về vốn, dịch vụ và lao động. Ông Putin từng bày tỏ quan điểm hy vọng sẽ có thêm các thành viên SNG tham gia để thúc đẩy sự vững mạnh của Liên minh Á-Âu, trở thành một trong những liên minh có tiếng nói quan trọng trên chính trường thế giới.
Nguồn Báo SGGP Online