Sáng ngày 11/10, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc tổng kết thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998- 2010. Dự án đã được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 2 bằng Nghị quyết 08/1997/QH10. Nhiều ý kiến đánh giá Dự án đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập và ổn định đời sống nhân dân.
Tỷ lệ che phủ rừng tăng mạnh
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, sau 13 năm thực hiện Dự án, độ che phủ rừng của nước ta tăng từ 32% lên 39,5% (trong khi mục tiêu là 40%). Đây là tỷ lệ tương đối cao, trong khi nhiều nước trên thế giới có phần giảm đi.
Thông qua việc nhận khoán bảo vệ rừng, người dân có thu nhập bình quân từ 6- 10 triệu đồng/ha/năm.
Giá trị sản xuất lâm nghiệp (chưa tính giá trị của công nghiệp chế biến gỗ) tăng từ 2.610 tỷ đồng (năm 2005) lên 7.365 tỷ đồng (năm 2010); kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng từ 236,1 triệu USD (năm 1998) lên 3,55 tỷ USD (năm 2010).
Đến năm 2010, gần 1,25 triệu hộ gia đình với hơn 4,65 triệu lao động tham gia Dự án, trong đó có 38,6% là hộ nghèo. Thông qua việc nhận khoán bảo vệ rừng, người dân có thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/ha/năm. Nhiều địa phương đã kết hợp các mô hình kinh tế nông, lâm thì thu nhập trung bình đạt 20 triệu đồng/ha/năm, điển hình như Lâm trường Pú Luông- Yên Bái, Lâm trường Yên Sơn- Tuyên Quang, Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Phước- Ninh Thuận,…
Bên cạnh thu nhập từ giá trị lâm sản, việc thực hiện thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/QĐ-TTg đã góp phần tăng thu nhập cho người trồng rừng từ 250 - 300 nghìn đồng/ha/năm (kết quả thí điểm tại khu vực thủy điện Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng).
Ngoài ra, việc thí điểm trồng rừng theo cơ chế phát triển sạch và tín dụng carbon ở huyện Cao Phong (Hòa Bình), A Lưới (Thừa Thiên- Huế) cũng mở ra hướng thu lợi mới từ việc mua hạn ngạch khí phát thải CO2 từ trồng rừng.
Hiện cả nước thành lập được 8 tiểu vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản. Bình quân mỗi năm 8 tiểu vùng này trồng thêm được 100.000 ha rừng sản xuất, đưa sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 2,37 triệu m3 gỗ (năm 2000) lên 4,7 triệu m3 (năm 2010).Tuy nhiên, do chất lượng gỗ thấp nên nước ta vẫn phải nhập 80% nhu cầu nguyên liệu gỗ cho các nhà máy chế biến với kim ngạch nhập khẩu khoảng 1 triệu USD mỗi năm (tính từ 2007).
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, qua các đợt giám sát, Hội đồng Dân tộc nhận thấy bà con trồng rừng rất có lãi tại các địa phương như Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Thanh Hóa. “Ở Quảng Ngãi, người dân trồng gỗ nguyên liệu, tôi hỏi xe máy từ đâu ra, bà con bảo có được xe máy là từ trồng rừng ra đó”, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, một kết quả quan trọng mà Dự án đã được chính là nâng cao nhận thức về canh tác, sản xuất lâm nghiệp của đồng bào vùng có rừng… Lấy minh chứng từ quê hương Sơn La, bà Tòng Thị Phóng cho biết nay nhiều người dân không còn phá rừng để canh tác nữa mà nay đã biết dựa vào rừng để sản xuất.
Chuyển tiếp giai đoạn 2011-2020
Tuy nhiên, ông Ksor Phước cũng thẳng thắn cho rằng, sự thay đổi trong đời sống người dân nhiều nơi không được rõ nét, người vẫn không sống được từ rừng. Ông cho rằng, một số nơi do chỉ tập trung khoanh nuôi, bảo vệ mà ít trồng rừng nên hiệu quả kinh tế không cao.
Đồng tình với ông Ksor Phước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, có địa phương bố trí rừng sản xuất với tỷ lệ chưa tương xứng trong khi cần tăng tỷ lệ này để khuyến khích người dân trồng rừng và thu lợi từ rừng sản xuất.
Tổng kết việc thực hiện Dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý việc khép lại Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998- 2010 để chuyển tiếp sang giai đoạn 2011- 2020. Tuy nhiên, Ủy ban yêu cầu trong báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 tới, Chính phủ cần làm rõ vấn đề hiệu quả kinh tế-xã hội tương xứng với đầu tư, đánh giá chất lượng rừng, công tác giao đất, giao rừng, vấn đề thủy lợi, thủy điện tác động thế nào đến rừng,…
Cũng trong phiên họp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình bày kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 với mục tiêu tăng độ che phủ rừng lên 42- 43% vào năm 2015 và 44- 45% vào năm 2020; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị từng loại rừng. Phấn đấu năm 2015, GDP của ngành lâm nghiệp đạt 2% và năm 2020 đạt 3% GDP quốc gia.
Nguồn www.chinhphu.vn