Sức hút từ Nông nghiệp Việt Nam

Hiện nay, với vị trí hàng đầu thế giới trong sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều hay các sản phẩm chăn nuôi khác, nông nghiệp Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm tới nhiều hơn.

Lợi nhuận ổn định, yên tâm đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á thường niên lần thứ II, năm 2011 mới diễn ra cuối tuần qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm lớn trên thế giới ngày càng phát triển và đang chuyển dần từ châu Âu sang châu Á, trong đó có Việt Nam.

Ảnh minh họa

“Việt Nam có chuỗi cung ứng lương thực đặc sắc mà không một quốc gia nào trong khối ASEAN có được, tuyến hành lang kinh tế giao thương với nhiều nước trong khu vực cũng là một ưu thế lớn của Việt Nam”, ông John Vong – cố vấn Sacombank và Ngân hàng Thế giới IFC nhận định.

Sản xuất nông nghiệp tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam được đánh giá là ngành đáng đầu tư nhất thời gian này khi mang lại lợi nhuận ổn định từ 15 – 50%/năm trong thời gian qua.

Ông Trần Xuân Nguyên - Giám đốc tài chính Cà phê Trung Nguyên cho rằng chi phí đầu tư cho ngành nông nghiệp ở Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá nhân công thấp… Điều này thu hút các nhà đầu tư khi đến Việt Nam. “Ngành cà phê Việt Nam sẽ thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm tới. Tuy nhiên, nếu chỉ bán cà phê thô như hiện nay, Việt Nam bỏ phí một khoảng lợi nhuận khổng lồ để có thể tái đầu tư cho ngành” - ông Nguyên nhận định.

Trả lời câu hỏi lĩnh vực nào trong nông nghiệp ở Việt Nam được nhiều người quan tâm, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng, các sản phẩm liên quan tới gỗ mang lại lợi nhuận từ 12 – 18%/năm, dù không cao nhưng khoản lợi nhuận này rất ổn định, có sức thu hút lớn. Ngược lại, nếu muốn quay vòng vốn nhanh, họ sẽ đầu tư vào cây sắn, lúa gạo, ngô,… tức những sản phẩm có thể thu hoạch ngay trong năm. Ngoài ra, việc chế biến các nông sản phẩm thô của Việt Nam hiện nay thành những sản phẩm gia tăng giúp thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ khiến họ không thể bỏ qua.

Chính sách thu hút đầu tư vào nông thôn

Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cam kết xóa bỏ yêu cầu bắt buộc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với dự án sản xuất mía đường, dầu thực vật, sữa, gỗ; cam kết về thuế quan và các biện pháp phi thuế quan khác trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp…đồng thời cam kết lộ trình mở cửa dịch vụ phân phối, theo đó, các nhà đầu tư được đầu tư, lập cơ sở bán lẻ, được phân phối các mặt hàng nông sản, đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài được quyền xuất khẩu gạo trực tiếp trong năm nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đưa ra chính sách thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, đề án sẽ bám sát chỉ đạo tại Nghị quyết số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung nghiên cứu những trở ngại đối với việc đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; nghiên cứu và đề xuất các giải pháp khuyến khích và hỗ trợ trực tiếp, có hiệu lực nhanh cho các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào khu vực này, trong đó hai lĩnh vực được ưu tiên là vốn và đất đai; tập trung các biện pháp trợ giúp các nhà đầu tư nhỏ và vừa.

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng cụ thể hóa một số chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 1/8/2011, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư, dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư nếu thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước thì tiền thuê đất được tính bằng đơn giá thuê đất (theo tỷ lệ %) thấp nhất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Riêng về thuế, các doanh nghiệp sẽ được nhận mức thuế ưu đãi cao nhất, mức miễn giảm cũng cao nhất. Cụ thể, các quy định tại Nghị định 142/2005/NĐ-CP về ưu đãi sử dụng đất đai, Nghị định 124/2008/NĐ-CP ưu đãi về thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định 87/2010/NĐ-CP về miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng…cũng thể hiện những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông thôn.

Ngoài ra còn có các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ tiền quảng cáo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiền thuê tư vấn, chuyển giao công nghệ, đặc biệt hỗ trợ cước phí vận tải cho các doanh nghiệp vùng sâu, vùng xa... có thể lên tới 50%. Kinh phí đào tạo công nhân, nông dân của các doanh nghiệp cũng được tính toán để bù ở mức cao, lên đến 80%.

Tuy nhiên, ưu đãi hàng đầu đối với doanh nghiệp là tín dụng vì hầu hết các doanh nghiệp nông thôn đều rất thiếu vốn. Theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP, Nghị định 106/2004/NĐ-CP, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP thì mức vốn cho vay tối đa đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 70% tổng vốn đầu tư của dự án với thời hạn cho vay dựa trên khả năng thu hồi vốn và trả nợ tối đa là 12 năm, đối với các dự án đặc thù, thời hạn vay có thể lên tới 15 năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay xác định tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng lần đầu và không thay đổi cho cả thời hạn vay.

Nguồn www.chinhphu.vn