Bí đao còn có tên khác là bí xanh (vỏ màu xanh, có hoặc không có phấn tùy loại) thuộc họ bầu bí, Đông y gọi là đông qua, có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, vị, bàng quang, tiểu tràng, không có độc tính, mà có tác dụng kiện tỳ, ích khí, tiêu thủy.
Trường kỳ ăn bí đao có thể tiêu trừ nước thừa trong cơ thể, giảm cân, chống béo phì. Bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc.
Đẹp da
Bí đao vị ngọt, tính mát, có công dụng nhuận phu (làm cho da mềm mại và không bị khô), tăng bạch (làm sáng da), khu phong trừ nám (làm da hết ngứa và hết các vết nhăn, vết nám). Sách Thực liệu bản thảo viết: “Nếu muốn thân thể khỏe đẹp và nhẹ nhõm nên thường xuyên ăn bí đao”. Các y gia đời xưa đều hay dùng bí đao để chữa một số bệnh ngoài da và làm đẹp da mặt.
Bí đao chứa hàm lượng dầu thực vật cao, rất có lợi cho da và tóc
Chống béo phì
Theo các nhà dinh dưỡng học, bí đao không chứa chất béo, có chứa hợp chất hóa học hyterin - caperic có khả năng khống chế đường chuyển hóa thành mỡ nên ngăn chặn được sự tích lũy mỡ trong cơ thể, chống tình trạng béo phì. Vì vậy, dùng bí đao nấu canh ăn thường xuyên sẽ tốt cho những ai đang có nguy cơ tăng ký.
Một công thức canh bí dễ làm là lấy 500g bí đao, giữ cả vỏ và hạt, rửa sạch, thái miếng, cho thêm trần bì, gừng tươi, muối, nước vừa đủ và nấu cho chín bí. Loại canh ấy nếu mỗi ngày một lần thì sẽ nhanh thấy tác dụng. Hạt bí đao lợi thấp, vỏ bí đao lợi thủy nên ăn được cả vỏ hạt bí đao thì công hiệu càng cao. Trần bì có tác dụng lý khí, kiện tỳ, lợi thấp, gừng hành thông dương hóa ẩm lợi thủy ăn kết hợp với bí đao sẽ hỗ trợ giảm béo.
Cao bí đao
Bí đao được ghi trong các phương thuốc bí truyền làm đẹp của các mỹ nhân, cung phi ngày xưa, trong đó có cao bí đao. Theo công thức của danh y Tuệ Tĩnh, dụng cụ để làm cao bí đao là nồi đất, dao tre, muỗng gỗ, không được dùng đồ kim loại.
Để có được 500g cao bí đao, cần lượng nguyên liệu là 500g bí đao (bỏ vỏ và ruột), một lít rưỡi rượu, một lít nước và 0,5kg mật ong.
Cách làm: Bí đao cắt miếng cho vào hỗn hợp rượu và nước rồi đun vừa lửa khoảng sáu giờ cho đến khi còn khoảng một tô nước thì đổ ra để nghiền bằng muỗng gỗ. Nghiền kỹ rồi lọc qua vải màn cho mịn.
Lưu ý là nên chọn bí vừa tầm, ít xơ, không bị xốp. Đổ lại dung dịch đó vào nồi và cho thêm mật ong vào nấu thêm chừng hai giờ, khi nấu nhớ quấy đều tay. Để thử cao, quết một chút cao lên tay, xoa xoa mà thấy cao không dính quá là được. Khi cao nguội thì cho vào lọ nút kín để mỗi buổi tối lấy xoa mặt.
Cao bí đao có nhiều công dụng như thay đổi độ ẩm của da, làm cho da căng, trơn láng, mịn màng, sáng hồng (thấy rõ nhất). Dùng một thời gian da sẽ bớt tiết dầu, bong bớt mụn cám và mụn đầu đen, nói chung mụn sẽ mất nhanh, hiện tượng viêm da, viêm nang lông cũng được cải thiện rõ rệt. Nên lau khô da trước khi bôi cao.
Cao bí đao thích hợp cho những ai đang bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì và những người có da mặt bị sần sùi, chân lông to, thô ráp, sắc mặt xỉn màu.
Cao bí đao có ưu điểm là lành tính, không có hóa chất bảo quản nên không làm hư tổn da về sau, thích hợp với mọi loại da, phù hợp với những người muốn dưỡng da bằng phương pháp Đông y.
Món ăn cho mùa hè
Bí đao vốn là một loại rau nhẹ nhất, chỉ đứng sau dưa chuột, bắp cải và dưa chuột bao tử và tương đương với cà chua. Có lẽ đây cũng chính là một lý do tại sao bí đao hiện hữu trong nhiều món ăn mùa hè, riêng người Pháp tiêu thụ tới 12kg/đầu người/năm.
Bí đao nấu thả (ảnh: Internet)
Thịt quả bí đao chứa chất xơ dạng sợi rất có lợi cho ruột. Các vitamin B9, C, E và tiền vitamin A, các chất khoáng như kali, phốt pho, magiê giúp cho eo thon. Vỏ quả bí đao chứa nhiều vitamin và chất khoáng (nên ăn vỏ bí đao khi quả còn non). Hoa bí đao được dùng như trà thảo dược, giúp cân bằng xúc cảm cho phụ nữ mang thai.
Những ngày nắng nóng thường gây cho chúng ta cảm giác mệt mỏi, uể oải, thân thể nặng nề, đau đầu, nước tiểu vàng, miệng đắng, ăn không tiêu, dễ bị trúng thử (cảm nắng, cảm thử). Khi đó nên thường xuyên dùng bí đao để nấu canh.
nguồn "Báo Giáo dục & Thời đại"