Nghiên cứu thực hiện trên 49.281 đàn ông và 80.336 phụ nữ. Các nhà nghiên cứu phân tích mối liên hệ giữa lượng flavonoid đưa vào cơ thể và nguy cơ mắc bệnh Parkinson, dựa trên 5 nguồn thực phẩm giàu flavonoid là trà, dâu, táo, rượu vang đỏ, cam hay nước cam. Những người tham gia nghiên cứu được theo dõi từ 20 đến 22 năm.
Ăn trái cây nhiều giảm nguy cơ mắc bệnh
Flavonoid, được tìm thấy trong thực vật và trái cây, được gọi chung là vitamin P và citrin. Chúng được tìm thấy trong trái cây mọng nước, chocolate và trái cây họ citrus như bưởi, cam...
Kết quả cho thấy có 805 người mắc bệnh Parkinson. Ở nam giới, những người tiêu thụ lượng flavonoid cao có nguy cơ mắc bệnh Parkinson thấp hơn 40% so với nhóm tiêu thụ thấp.
Ở phụ nữ, không có mối quan hệ giữa việc tiêu thụ flavonoid tổng thể và sự phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, khi phân tích flavonoid có trong trái cây mọng nước, các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có mối liên hệ với việc giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson ở cả nam giới và phụ nữ.
Tác giả nghiên cứu - Tiến sĩ Xiang Gao, cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên ở người nhằm kiểm tra mối liên hệ giữa flavonoid và nguy cơ mắc bệnh Parkinson. Nếu được xác nhận, flavonoid có thể là một biện pháp trị liệu tự nhiên và lành mạnh để giảm nguy cơ phát triển bệnh Parkinson”.
Theo Science Daily