Cần tập trung nguồn lực thích hợp cho bảo vệ môi trường

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường và tăng cường chi hơn nữa cho công tác bảo vệ môi trường.

Sáng ngày 29/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về việc việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Hệ thống xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương.
- Ảnh: Báo Hải Dương

Nguồn chi từ Trung ương không thể bao quát hết các hoạt động bảo vệ môi trường ở địa phương nói chung và các khu kinh tế nói riêng. Đơn cử, ngân sách Trung ương trong năm 2006 và 2007 cũng chỉ bố trí được 2 tỷ đồng cho khu kinh tế Dung Quất triển khai hoạt động bảo vệ môi trường.

Trong khi đó, hầu hết các địa phương đều chưa thực hiện phân bổ hoặc phân bổ không đúng, chưa đủ nguồn chi cho bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế. Năm 2009, Hà Tĩnh chi nhiều nhất cho bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế với 618 triệu đồng, số chi thấp nhất thuộc về khu kinh tế Vân Phong- Khánh Hòa với chỉ 10 triệu đồng.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết cơ chế sử dụng nguồn thu bảo vệ môi trường chưa rõ ràng, thiếu sự điều hòa, phối hợp. Kinh phí thu được từ bảo vệ môi trường chỉ bằng 1/10 tổng kinh phí Nhà nước bỏ ra để xử lý, thu gom chất thải.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách và ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho rằng, cần tập trung nguồn lực ngân sách cho bảo vệ môi trường nói chung và tại các khu kinh tế, làng nghề nói riêng. Góp ý với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng Nhà nước cần tăng chi cho bảo vệ môi trường lên mức 2% ngân sách.

Đoàn giám sát cũng kiến nghị tăng đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách trong công tác này. Theo đoàn giám sát, phải khuyến khích người dân, tổ chức xã hội tham gia vào hoạt động giám sát để tránh thất thoát.

Ngoài ra, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; đầu tư vào xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn, chú trọng hạ tầng xử lý chất thải tập trung của khu kinh tế, làng nghề.

Nguồn www.chinhphu.vn