Theo EVN, trong tám tháng đầu năm 2011, tập đoàn này đã lỗ trên 2.000 tỉ đồng.
Người tiêu dùng lại đứng trước sức ép điện tăng giá. Trong ảnh: nhân viên điện lực
chốt chỉ số điện trong đợt tăng giá điện đầu năm 2011 - Ảnh: N.C.T.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn (phó vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành - Văn phòng Chính phủ):
Chưa thích hợp để tăng giá điện
EVN có đề xuất tăng giá điện nhưng thời điểm này cần cân nhắc, xem xét nhiều khía cạnh. Về nguyên tắc, theo quyết định 24 của Thủ tướng thì ba tháng/lần được điều chỉnh tăng giá điện nếu đầu vào có biến động, nhưng thực tế hiện tại, theo tôi, chưa phải là thời điểm thích hợp nhất. Chúng ta đang thực hiện nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa giảm được một tháng dưới 1%, nếu tăng vào thời điểm này, cùng với quy luật cuối năm mặt bằng CPI thường tăng thì rất dễ khiến lạm phát quay đầu tăng trở lại. Vì thế, việc tăng giá điện dần theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng lộ trình tăng, thời điểm tăng phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo lợi ích dân sinh là số một.
Lý do phải tăng giá
Theo ông Dương Quang Thành - phó tổng giám đốc EVN, việc điều chỉnh giá bán điện phải đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và bù phần lỗ năm 2010. Hiện EVN đang trong quá trình tính toán thông số đầu vào, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét.
Ông Thành cho biết đến nay một số dự án đã chậm tiến độ do EVN thiếu vốn và một số dự án điện cấp bách cho khu vực phía Nam chưa ký hợp đồng vay vốn như dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Nhiệt điện Duyên Hải 1, 3. Đây là thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện khu vực phía Nam từ 2013-2015 trong khi sản xuất kinh doanh của EVN đang bị lỗ.
Ngoài ra, vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hằng năm, công tác thu xếp vốn đối ứng đang gặp nhiều khó khăn, hơn một năm nay EVN vẫn chưa thu xếp được vốn đối ứng cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.
Theo EVN, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn tập đoàn giai đoạn 2011-2015 khoảng 525.168 tỉ đồng nhưng đến nay mới có thể thu xếp vốn được 247.978 tỉ đồng, còn thiếu 277.190 tỉ đồng.
Ông Thành cũng đề nghị Bộ Công thương sớm xây dựng đề án huy động vốn cho phát triển điện lực theo chỉ đạo của Thủ tướng. EVN xin được ưu tiên các nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn song phương của nước ngoài cho các dự án điện.
Về nhiên liệu, EVN đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN cam kết cung cấp đủ than lâu dài, ổn định cho các nhà máy điện của EVN đã và chuẩn bị đưa vào vận hành phát điện; chỉ đạo Tập đoàn dầu khí VN cam kết tiến độ cung cấp khí Tây Nam cho các nhà máy điện để EVN có kế hoạch triển khai thực hiện các dự án hoàn thành đồng bộ với tiến độ cấp khí (Nhiệt điện Ô Môn 1, 2, Ô Môn 3, 4).
Chờ tính toán đầu vào
Về việc EVN đề xuất tăng giá điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho hay bộ đang chờ EVN tính toán đầu vào vì hiện tại chưa có báo cáo từ EVN mà mới chỉ là đề xuất. Theo ông Vượng, mấu chốt vấn đề vốn ở đây là giá điện, một khi chưa giải quyết được giá điện rõ ràng thì bài toán vốn cho đầu tư ngành điện không thể giải quyết được.
Ông Vượng đề nghị Tổng cục Năng lượng và Cục Điều tiết điện lực xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện. “Nếu không có lộ trình giá điện phù hợp thì không thể nào giải quyết được bài toán thu xếp vốn đầu tư cho các dự án ngành điện” - ông Vượng nói.
Đồng tình với đề xuất tăng giá điện của EVN, ông Trịnh Việt Thắng, phó tổng giám đốc Điện lực Dầu khí (PV Power), cho rằng việc tăng giá điện sẽ làm cho các mục tiêu trong quy hoạch điện VII dễ dàng được thực hiện hơn, bởi giá điện hiện nay không hấp dẫn không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài mà cả với doanh nghiệp trong nước. Theo ông Thắng, ngay với PV Power, dù phải tham gia đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng vì là doanh nghiệp nên cũng phải tính toán hiệu quả.
Giao nhiều dự án cho EVN là chưa hợp lý
Đánh giá chung việc thực hiện quy hoạch điện VI, ông Phạm Mạnh Thắng - vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương - cho biết mức tăng trưởng nhu cầu điện ở VN trong nhiều năm cho đến nay vẫn cao nhất nhì khu vực Đông và Nam châu Á. Nhu cầu điện tăng trung bình 14%/năm trong năm năm qua, thấp hơn phương án thấp trong quy hoạch điện VI (trung bình 15%/năm).
Tuy nhiên, ông Thắng cho hay trong giai đoạn từ 2006-2010, tổng công suất nguồn xây dựng và đưa vào vận hành khoảng trên 10.000 MW, so với tổng công suất nguồn xây dựng dự kiến trong quy hoạch điện VI là 14.581 MW thì chỉ đạt gần 70%.
Theo ông Thắng, việc giao nhiều dự án cho EVN vượt quá khả năng tài chính là chưa thật sự hợp lý vì sẽ không đảm bảo tính khả thi của việc đầu tư xây dựng các dự án. Cụ thể, EVN đã trả lại Chính phủ 13 dự án điện.
Nguồn Tuổi trẻ