Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020

Ngày 22-7-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1222/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020. Báo Điện Tử Ninh Thuận (NTO) trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc và nhân dân trong tỉnh về quy hoạch nói trên theo đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

PHẦN MỘT

ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH TỈNH NINH THUẬN

I. Vị trí địa lý:

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phí Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông; diện tích tự nhiên: 3.358 km2; với địa hình: miền núi, đồng bằng và vùng biển; có 7 đơn vị hành chính gồm 6 huyện và 1 thành phố; dân số toàn tỉnh 573 ngàn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 21%, chủ yếu dân tộc Chăm và Raglai.

Nằm ở giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên; thành phố Phan Rang-Tháp Chàm cách sân bay quốc tế Cam Ranh (Khánh Hòa) 60km, cách thành phố Hồ Chí Minh 350km và cách thành phố Đà Lạt 110km. Là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm giữa kinh tế Đông Nam bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Ninh Thuận có 105 km bờ biển thoải, sạch, đẹp, đang còn hoang sơ. Nước biển ở đây độ mặn cao hơn so với các vùng biển khác và có nguồn thủy, hải sản phong phú, có thể khai thác đa dạng các sản phẩm có tính cạnh tranh cao như: đánh bắt, chế biến thủy, hải sản; sản xuất muối công nghiệp, thạch cao; có nguồn tài nguyên, khoáng sản khá phong phú như Granít, Titan, Đá Vôi, San Hô, Vàng, Thiếc, Mô Típ đen, Vônfram,... trong đó Granít, Titan chiếm trữ lượng lớn. Đặc biệt, biển Ninh Thuận đẹp với các địa danh như: Cà Ná, Ninh Chữ, Bình Sơn, vịnh Vĩnh Hy, Bình Tiên, đồi cát Nam Cương… rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Ngoài ra, Ninh Thuận có đủ điều kiện để xây dựng cảng biển, đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu với quy mô lớn.

II. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua:

Trong thời gian qua, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá và tương đối toàn diện; giai đoạn 10 năm (2000-2010) tốc độ tăng GDP bình quân 9,8% /năm. Riêng trong năm 2010 đạt 11,8%, GDP bình quân đầu người đạt 11,7 triệu đồng.

Cơ cấu của tỉnh có bước chuyển dịch đáng kể, từ nền kinh tế từ thuần nông từng bước phát triển theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước những năm gần đây tăng nhanh (riêng năm 2010 đạt 883 tỷ đồng) và đang tạo đà tăng nhanh hơn cho những năm tiếp theo. Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, nhiều công trình quy mô lớn đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh như tuyến đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ qui mô 219 triệu m3. Văn hóa, xã hội có chuyển biến tiến bộ; mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa phát triển rộng khắp các vùng, miền trong tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, Ninh Thuận hieenjnay vẫn còn là tỉnh khó khăn chung so với cả nước do xuất phát điểm nền kinh tế thấp và qui mô nhỏ, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế, kết cấu hạ tầng còn yếu kém và thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

PHẦN HAI

QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN
KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020

Để phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển và năng lượng tái tạo hình thành các sản phẩm mũi nhọn và vùng động lực tạo bước chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng và cả nước, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế;

Ngày 22-7-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1222/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.

I. Quan điểm phát triển

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển và năng lượng tái tạo hình thành các sản phẩm mũi nhọn; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo tồn, phát huy, phát triển nền văn hóa truyền thống các dân tộc trong tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng hệ thống chính trị và nền hành chính vững mạnh, tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. Mục tiêu phát triển

1. Về kinh tế:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 16 - 18%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 19 – 20%/năm.

- GDP/người theo giá thực tế đến năm 2015 đạt khoảng 1.400 USD và đến năm 2020 đạt khoảng 2.800 USD;

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt 1.700 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 4.500 tỷ đồng; tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đến năm 2015 đạt 10% và đến năm 2020 đạt 10 - 11%;

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 180 triệu USD và đến năm 2020 đạt 470 - 480 triệu USD;

- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ 2011 - 2020 đạt 260 nghìn tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 60 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 200 nghìn tỷ đồng.

2. Về xã hội:

- Giảm tốc độ tăng dân số tự nhiên. Đến năm 2015 quy mô dân số đạt khoảng 640 - 650 nghìn người và năm 2020 đạt khoảng 740 - 750 nghìn người;

- Tỷ lệ hộ nghèo thời kỳ 2011 - 2020 giảm khoảng 1,2% - 1,5%/năm.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 33% và năm 2020 đạt trên 60%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và tăng dần lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ.

- Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập trung học phổ thông ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Đến năm 2020 hoàn thành phổ cập trung học phổ thông ở các thị trấn và một số xã có điều kiện; tỷ lệ xã, phường vững mạnh toàn diện đạt trên 50%.

3. Về môi trường:

- Nâng độ che phủ rừng đến năm 2015 đạt trên 45% và đến năm 2020 đạt 50%; cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh cho dân cư trong tỉnh.

- Quản lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; tăng cường giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường xanh, sạch; tăng cường năng lực quản lý môi trường.

III. Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực

1. Phương hướng phát triển: Tập trung ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành gồm: Năng lượng, du lịch, nông lâm, thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản; đến năm 2020 mục tiêu phát triển 6 nhóm ngành đóng góp 91% GDP và giải quyết 85% lao động của toàn tỉnh, cụ thể:

a. Phát triển nhóm ngành năng lượng, mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo để Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước; mục tiêu đến năm 2020 nhóm ngành này đóng góp 11% GDP và giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia;

- Triển khai đầu tư xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000 MW, nhà máy thứ nhất dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2014, hoàn thành và vận hành vào năm 2020 (theo Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ);

- Phát triển loại hình thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW trên hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, dự kiến hoàn thành và hoạt động vào năm 2020; đẩy mạnh phát triển điện gió ở 14 vùng tiềm năng gió quy mô 1.600 MW, điện mặt trời quy mô 282 MW.

b. Du lịch: Mục tiêu đến năm 2020 ngành du lịch đóng góp 12% GDP và giải quyết 13% lao động của toàn tỉnh.

Phát triển loại hình du lịch thuyền buồm cao cấp, quy mô từ 100 đến 200 bến du thuyền tại vịnh Vĩnh Hy (huyện Ninh Hải) và khu du lịch Bình Sơn - Ninh Chữ (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm); hình thành các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng cao cấp ở khu du lịch Vĩnh Hy, Mũi Dinh; phát triển loại hình du lịch kết hợp thưởng thức đặc sản rượu vang nho địa phương, trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực Đông Nam Á; tập trung phát triển các khu du lịch biển, gồm: Khu du lịch Bình Tiên, Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ, Mũi Dinh, Cà Ná.

c. Nông, lâm nghiệp, thủy sản:

- Về nông nghiệp: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học, nâng cao giá trị sử dụng đất; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 6 - 7%/năm; ổn định diện tích trồng lúa 17 - 18 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt 200 - 220 nghìn tấn; nâng cao chất lượng đàn gia súc, phát triển mô hình chăn nuôi trang trại tập trung gắn với công nghiệp chế biến, nâng tỷ lệ sind hóa đàn bò, đến năm 2015 đạt 38% và đến năm 2020 đạt 45%;

- Về thủy sản: Phát huy lợi thế về sản xuất giống thủy sản, phát triển vùng sản xuất giống tập trung An Hải, Nhơn Hải và nghề nuôi tôm thịt gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu; đẩy mạnh nghề khai thác thủy sản xa bờ; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 7 – 8%/năm.

- Về lâm nghiệp: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao chất lượng độ che phủ rừng một cách hợp lý bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững; bảo vệ, chăm sóc rừng hiện có, tích cực trồng mới, khoanh nuôi, tái sinh rừng, phát triển cây cao su theo hướng sản xuất hàng hóa trên vùng đất nghèo kiệt ở các huyện: Bác Ái, Ninh Sơn; mục tiêu đến năm 2015 độ che phủ rừng đạt trên 45% và đến năm 2020 đạt khoảng 50%.

d. Về công nghiệp: Phát triển ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch và tăng trưởng đột phá để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả nền kinh tế.

- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế như công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống; đầu tư xây dựng từ 1 - 2 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, quy mô mỗi nhà máy đạt 10.000 tấn/năm; nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm, sản xuất bia, rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái.

- Kêu gọi đầu tư dự án sản xuất thép tại khu vực Dốc Hầm - Cà Ná, quy mô 14,5 triệu tấn/năm gắn với cảng hàng hóa, quy mô bốc dỡ hàng hóa 15 triệu tấn/năm;

- Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp:

Giai đoạn 2011 - 2015 tập trung hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Du Long và Khu công nghiệp Phước Nam;

Giai đoạn 2016 - 2020 phát triển Khu công nghiệp Hiếu Thiện và Khu công nghiệp Cà Ná;

Mỗi huyện đầu tư xây dựng 1 - 2 cụm công nghiệp, với quy mô khoảng 30 - 50 ha, ưu tiên phát triển 8 cụm công nghiệp: Thành Hải, Tháp Chàm (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), Cà Ná (Thuận Nam), Tri Hải (Ninh Hải), Tân Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái), Suối Đá (Thuận Bắc).

đ. Xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển các khu đô thị mới: Mục tiêu đến năm 2020 ngành đóng góp 37% GDP và giải quyết 25% lao động của toàn tỉnh.

- Hình thành các doanh nghiệp hoạt động xây dựng có năng lực về tài chính, nguồn nhân lực mạnh, chuyên môn cao để thực hiện các công trình dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp; tận dụng lợi thế về địa kinh tế, hình thành các khu đô thị tập trung, quy mô hợp lý; tập trung phát triển các khu đô thị cao cấp ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm;

- Phát triển thị trường bất động sản, bao gồm: Dịch vụ môi giới, cho thuê bất động sản, phát triển thị trường trung gian cung cấp các dịch vụ mua, bán bất động sản và phát triển dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng các công trình xây dựng, chống xuống cấp; phát triển thị trường nhà ở cho thuê, các khu văn phòng cao cấp.

e. Giáo dục và đào tạo: Phấn đấu đến năm 2020 nhóm ngành đóng góp 3% GDP và giải quyết 0,2% lao động của toàn tỉnh.

- Phát triển mạng lưới trường, lớp ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia, chú trọng phát triển nhà trẻ mẫu giáo theo hướng xã hội hóa.

- Đào tạo nghề: Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực; nâng cao hiệu quả hoạt động của Phân hiệu Đại học Nông lâm; thành lập các cơ sở Đại học Thủy lợi và Điện lực; nâng cấp Trường Cao đẳng sư phạm Ninh Thuận thành Trường Cao đẳng đa ngành; xúc tiến chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sau năm 2015 thành lập trường Đại học Ninh Thuận, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng tại tỉnh các cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế.

2. Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng

a. Hạ tầng giao thông:

- Đường bộ:

Ưu tiên đầu tư xây dựng các trục giao thông kết nối 2 hành lang quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển, trục ngang quốc lộ 27 kết nối với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên, cầu Đông Hải - Phú Thọ (cầu An Đông).

Nâng cấp các tuyến quốc lộ: 1A, 27A, 27B, tuyến đường ven biển (Bình Tiên - Cà Ná), đường 703 nối quốc lộ 1A đến đường Yên Ninh và Hải Thượng Lãn Ông, đường Kiền Kiền đến Cảng hàng hóa Ninh Chữ, đường Văn Lâm - Sơn Hải.

Xây dựng đường vành đai thành phố Phan Rang - Tháp Chàm gắn kết với quốc lộ 27 và các tuyến đường qua các huyện. Hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, miền núi và đường giao thông đến các vùng nguyên liệu.

- Đường sắt: Triển khai đầu tư các tuyến đường sắt theo quy hoạch đến năm 2020 hoàn thành giai đoạn I cải tạo và nâng cấp đường sắt Bắc - Nam đoạn đường sắt cao tốc Nha Trang - TP Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Ninh Thuận; phục hồi tuyến đường sắt Đà Lạt - Tháp Chàm để phát triển du lịch và liên kết phát triển du lịch với Đà Lạt;

- Đường biển: Phát triển cảng biển Dốc Hầm, cảng hàng hóa Ninh Chữ; các cảng chuyên dụng phục vụ du lịch gồm: Bình Tiên - Vĩnh Hy, Bình Sơn - Ninh Chữ để tiếp nhận các tàu du lịch trong nước; nâng cấp và mở rộng các cảng cá: Cà Ná, Đông Hải và Ninh Chữ làm nơi tránh trú bão cho tàu thuyền.

b. Thủy lợi: Đến năm 2015 hoàn thành đầu tư hệ thống thủy lợi hồ Tân Mỹ, hồ Sông Than, hồ Ô Căm, hồ Tân Giang II, hồ Tà Nôi, hồ Tà Lâm (Ma Nới), hồ Đa Mây (xã Phước Bình, huyện Bác Ái).

c. Hệ thống cấp nước và thoát nước: Mở rộng và nâng cấp mạng lưới cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các đô thị trong tỉnh; đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải cho các khu công nghiệp và các Nhà máy điện hạt nhân;

d. Cấp điện:

- Nâng cấp và phát triển mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia, đáp ứng 100% nhu cầu về điện sản xuất phù hợp với quy mô sản xuất ở các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng trạm điện hạt nhân số 1 và số 2 (Trạm 500 KV); phát triển lưới điện đầu nối các nguồn điện hạt nhân, nhiệt điện và điện gió nối với hệ thống điện quốc gia và mạng lưới cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Xây dựng các trạm biến áp 220 KV, 110 KV phục vụ các Khu công nghiệp Du Long, Phước Nam, khu vực Dốc Hầm và cho thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

đ. Thông tin và truyền thông:

- Mở rộng, nâng cấp và hiện đại hóa mạng bưu chính - viễn thông và thông tin truyền thông có dung lượng lớn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước (Chính phủ điện tử) và giao dịch điện tử; tăng mật độ thuê bao điện thoại, đến năm 2015 đạt bình quân 34 thuê bao điện thoại/100 dân và đến năm 2020 tăng lên 50 thuê bao điện thoại/100 dân;

3. Phát triển các vấn đề xã hội

a. Dân số và kế hoạch hóa gia đình: Thực hiện tốt chiến lược dân số quốc gia, bảo đảm quy mô dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.

b. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân: Xây dựng và phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư hoàn chỉnh Bệnh viện đa khoa tỉnh 500 giường với trang thiết bị hiện đại, xây dựng mới Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện y học dân tộc ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn; nâng cấp các trạm y tế xã và bảo đảm các điều kiện khác theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

c. Định hướng phát triển văn hóa - thông tin - phát thanh truyền hình: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; tăng cường thiết chế văn hóa cơ sở, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

d. Định hướng phát triển thể dục - thể thao: Phát triển mạng lưới thể dục thể thao của tỉnh đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu luyện tập và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời phát triển phong trào thể thao gắn với khôi phục thể thao dân gian các dân tộc trong tỉnh.

đ. Phát triển khoa học công nghệ: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, ưu tiên công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng vào phục vụ sản xuất và đời sống.

4. Bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội và một trong 3 mục tiêu quan trọng để phát triển bền vững và bảo đảm thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ; mục tiêu chung trong thời kỳ quy hoạch là làm cho môi trường sống ngày càng tốt hơn, theo hướng chủ động ngăn ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

5. Về quốc phòng - an ninh: Ưu tiên quỹ đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cho phát triển tiềm lực quốc phòng của tỉnh và cả nước. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quân sự, biên phòng, công an và các Sở, ban ngành, mặt trận và toàn dân tạo thành sức mạnh tổng hợp, xây dựng tỉnh Ninh Thuận vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng, an ninh.

IV. Phương hướng phát triển theo lãnh thổ

1. Định hướng phát triển không gian, lãnh thổ tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 theo hướng phát triển:

a. 02 hành lang: Quốc lộ 1A và tuyến đường ven biển.

b. 06 khu vực chủ yếu: Khu vực phía Tây (các huyện miền núi), khu vực du lịch phía Bắc, khu vực Đầm Nại, khu vực công nghiệp phía Nam, Làng ven đô (Phước Dân - Ninh Phước), trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

c. Tập trung ưu tiên 03 khu vực: Trung tâm đô thị Phan Rang - Tháp Chàm, khu vực du lịch phía Bắc tỉnh, khu vực công nghiệp phía Nam tỉnh.

2. Định hướng phân bố các ngành sản xuất theo không gian thành 4 vùng ưu tiên:

a. Vùng miền núi (Ninh Sơn, Bác Ái): Chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, hình thành vùng sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày gắn với công nghiệp chế biến như mỳ, mía, thuốc lá, điều, cao su và phát triển chăn nuôi đại gia súc, xây dựng nông thôn mới.

b. Vùng phía Bắc: Tập trung ưu tiên cho phát triển du lịch, bố trí những khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, có quy mô lớn dọc theo ven biển từ Bình Tiên - Vĩnh Hy; hình thành một số khu du lịch nổi tiếng trong khu vực như: Khu du lịch Bình Tiên, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vĩnh Hy, Núi Chúa và khu du lịch Bãi Thùng, Hòn Đỏ.

c. Vùng phía Nam: Ưu tiên phát triển công nghiệp, tập trung chủ yếu bố trí Khu công nghiệp Phước Nam và Khu công nghiệp Cà Ná, xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam.

d. Vùng đồng bằng: Ưu tiên phát triển đô thị và dịch vụ - thương mại.

3. Định hướng phát triển các đơn vị hành chính:

a. Giai đoạn 2011 - 2015:

Toàn tỉnh có 6 đơn vị hành chính huyện và 1 thành phố; nâng cấp thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lên đô thị loại II (khi đáp ứng đủ điều kiện quy định), xem xét điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn) nâng lên thành khoảng 91 xã, phường, thị trấn vào năm 2015.

b. Giai đoạn 2016 - 2020:

Toàn tỉnh sẽ có khoảng 7 đơn vị hành chính huyện (tăng 1 huyện được tách từ huyện Ninh Sơn), hình thành thị xã Tân Sơn (đô thị loại IV); điều chỉnh địa giới hành chính cấp xã nâng lên thành khoảng 101 xã, phường, thị trấn vào năm 2020.

V. Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch

1. Huy động nguồn lực đầu tư

a. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020; khuyến khích đầu tư; tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư; chủ động xúc tiến, kêu gọi tìm kiếm đối tác đầu tư; đầu tư đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả cao nhất.

d. Đổi mới cơ chế tín dụng đầu tư, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng nhằm tạo thuận lợi tiếp cận các nguồn vốn. Tập trung phối hợp tốt nhất với các Bộ, ngành liên quan để đẩy nhanh triển khai thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia đầu tư trên địa bàn.

e. Nâng cao vị trí địa kinh tế của tỉnh để nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng huy động GDP vào ngân sách trên cơ sở phát triển mạnh sản xuất các ngành công nghiệp, dịch vụ và tăng cường công tác quản lý nguồn thu để bảo đảm chi và có kết dư để tái đầu tư phát triển.

g. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa trên lĩnh vực y tế, dạy nghề, giáo dục, văn hóa và thể thao, môi trường, phấn đấu có khoảng 20 - 25% vốn đầu tư trên lĩnh vực này được huy động từ xã hội hóa;

h. Huy động nguồn vốn FDI để đầu tư cho phát triển; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng vùng nghèo, vùng khó khăn của tỉnh đối với nguồn vốn ODA.

i. Triển khai chương trình tín dụng nhà nước cho các doanh nghiệp có các dự án thuộc đối tượng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Nguồn vốn này dự kiến đáp ứng được khoảng 7 - 8,8% tổng nhu cầu vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.

2. Tăng cường cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

a. Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, làm động lực thực hiện Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020.

b. Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư và hiệu quả thực hiện các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển ODA, NGO.

c. Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức các cơ quan hành chính của tỉnh và đội ngũ quản lý doanh nghiệp, mang tính chuyên nghiệp cao và sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phát triển nguồn nhân lực

a. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức các ngành, các cấp về pháp luật, quản lý và điều hành các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

b. Khuyến khích các doanh nghiệp tự đào tạo lao động; tạo sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư vấn, các doanh nghiệp với các trường đại học, các cơ sở đào tạo để đào tạo, cung ứng, sử dụng nhân lực.

c. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người có khả năng được học tập, có chính sách khuyến khích tài năng trẻ nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng những thành quả công nghệ mới; trẻ hóa đội ngũ cán bộ quản lý, tạo điều kiện cho cán bộ tham quan, học tập, giao lưu với nước ngoài để nắm bắt các thông tin về thị trường, công nghệ…

d. Thường xuyên mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp để nâng cao trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh; tập trung xúc tiến mời các trường Đại học, các Trung tâm đào tạo có uy tín, có kinh nghiệm đầu tư thành lập cơ sở đào tạo tại tỉnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.

4. Phát triển khoa học và công nghệ

a. Khuyến khích các doanh nghiệp tập trung đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, thay thế dần các thiết bị lạc hậu, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế như chế biến nông - lâm - thủy sản, chế biến thực phẩm.

b. Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật; lựa chọn đúng công nghệ cần đổi mới, sử dụng công nghệ nhiều tầng, kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại; kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường.

5. Tập trung giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, trọng tâm công tác giảm nghèo ở các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

a. Tập trung đào tạo nâng cao kiến thức sản xuất kinh doanh cho người dân; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ.

b. Bảo đảm người dân tiếp cận được các dịch vụ cơ bản; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho giáo dục và y tế ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

6. Bảo vệ môi trường, phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch để phát triển bền vững

a. Đẩy mạnh công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và đưa nhiệm vụ chống biến đổi khí hậu vào các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường và phòng tránh biển đổi khí hậu.

7. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

a. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) nhằm khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển;

b. Tiếp tục phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và ủy quyền cho các sở ngành theo hướng phân cấp, bảo đảm tính chuyên nghiệp cao.

c. Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là các cơ chế chính sách để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

8. Mở rộng hợp tác liên kết phát triển vùng, cả nước và hội nhập quốc tế.

a. Mở rộng hợp tác toàn diện giữa Ninh Thuận với các tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các thành phố lớn trong cả nước.

b. Hợp tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và dạy nghề; hợp tác trong việc triển khai các dự án của Trung ương về thăm dò dầu khí, khoáng sản như quặng titan, hợp tác phát triển các dịch vụ cảng biển và vận tải biển.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân tỉnh Ninh Thuận sẽ thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phồn vinh, giàu đẹp, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế./.