(NTO) Một tác hại khác của rượu, bia không chỉ đối với sức khỏe mà còn là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến hậu quả khó lường về tính mạng của người sử dụng và của những người khác khi điều khiển phương tiện xe máy hoặc ô tô tham gia giao thông… mà những năm gần đây trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng thường đề cập. Cũng chính vì tác hại của rượu, bia nên trong Tháng An toàn giao thông năm nay được Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chọn chủ đề: “ Phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông”. Đối với tỉnh ta, để hoạt động của Tháng An toàn giao thông thực sự phát huy tác dụng tích cực ở các địa phương, theo kế hoạch của UBND tỉnh yêu cầu đặt ra là cần phải nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của người dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng.
Đặc biệt là nhận rõ hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông đồng thời qua đó không uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện. Yêu cầu cũng không kém phần quan trọng là các cơ quan chức năng, liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm về uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông… nhằm tạo thói quen chấp hành pháp luật.
Giải pháp đặt ra là cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, qua đó thông tin về quy định nồng độ cồn đối với người sử dụng khi tham gia giao thông cũng như tác hại của việc uống rượu, bia… để nhân dân biết, nghiêm túc thực hiện. Mặt khác, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể cần vận động công chức, viên chức, hội viên chấp hành quy định về TTATGT nói chung và không uống rượu, bia khi tham gia giao thông nói riêng để làm gương trong nhân dân.
Để đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của bản thân và người khác, hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông nói chung. Đây cũng là biện pháp để mọi người cùng chung tay góp phần xây dựng văn hóa giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
Tuấn Dũng