Theo NHNN, tại cuộc họp trên các ngân hàng thương mại cam kết thực hiện nghiêm túc trần lãi suất huy động 14%/năm và đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường xuống 17%-19%/năm từ giữa tháng 9-2011.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng ACB. Ảnh: CAO THĂNG
Về giải pháp điều hành cụ thể, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Hiện nay, thanh khoản VNĐ toàn hệ thống đang dư thừa; do vậy trước mắt NHNN xem xét tạm thời chưa áp dụng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn tại Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, Thông tư 19/2010/TT-NHNN nhằm tạo sự luân chuyển và điều hòa vốn giữa thị trường huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp (thị trường 1) và thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), giữa TCTD thừa và TCTD thiếu vốn, giúp các TCTD thiếu vốn có điều kiện tăng trưởng tín dụng trong giới hạn 20% và hạ lãi suất cho vay.
Về điều hành cung ứng tiền, từ nay tới cuối năm, tùy theo diễn biến thị trường, đặc biệt là tình hình cung cầu ngoại tệ, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt qua các kênh, đảm bảo hài hòa về mức tăng và lượng cung ứng tiền qua các tháng, đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ.
Về lãi suất, từ nay đến cuối năm, NHNN tiếp tục giữ ổn định mức trần lãi suất huy động vốn bằng VNĐ 14%/năm để tạo điều kiện cho các TCTD đưa mặt bằng lãi suất cho vay về biên độ 17-19% đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường; giữ nguyên trần lãi suất bằng ngoại tệ của các TCTD đối với khách hàng là tổ chức và dân cư nhằm góp phần thực hiện chủ trương chống USD hóa của Chính phủ; yêu cầu các TCTD quan tâm điều hành, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ nhằm hạn chế rủi ro cho các TCTD và góp phần ổn định thị trường ngoại hối.
Để góp phần kiểm soát tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, NHNN sẽ sửa đổi cơ chế cho vay bằng ngoại tệ theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn đối với khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất kinh doanh để trả nợ vay; tăng tỷ lệ và mở rộng phạm vi áp dụng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các TCTD. Từ nay đến cuối năm, NHNN cam kết điều hành tỷ giá theo hướng ổn định, đến cuối năm tỷ giá biến động tối đa 1%.
Theo NHNN, định hướng này dựa trên cơ sở diễn biến cán cân thanh toán quốc tế có khả năng thặng dư từ 2,5 - 4,5 tỷ USD và dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua. NHNN khẳng định, trong mọi tình huống, NHNN đủ sức can thiệp bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối”.
Về thị trường vàng, NHNN sẽ điều hành theo mục tiêu bình ổn giá vàng trong nước diễn biến phù hợp với giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá. NHNN xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn giá vàng trong ngắn hạn và phương án NHNN huy động vàng trong nền kinh tế để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người dân nắm giữ vàng cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước.
Công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng cũng được lưu ý. Trước mắt sẽ tập trung thanh tra các ngân hàng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao, xử lý nghiêm và kịp thời đối với những sai phạm. Các ngân hàng phải tự giám sát việc thực hiện trần lãi suất huy động vốn, trường hợp phát hiện vi phạm, NHNN sẽ xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý.
Tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ
NHNN cho biết đã ban hành quyết định tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ, bắt đầu áp dụng từ kỳ dự trữ tháng 9-2011. Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Agribank), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên bằng ngoại tệ được áp dụng đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Agribank), ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính là 6% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.
NHNN cho biết trong gần 8 tháng đầu năm, thanh khoản bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng được đảm bảo nhưng tín dụng bằng ngoại tệ tăng ở mức khá cao. Quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ được cơ quan này kỳ vọng sẽ hạn chế đà tăng nóng này và tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Nguồn Báo SGGP