(NTO) Với đặc điểm đó, những năm qua ngoài việc tập trung khai thác tốt kinh tế biển, tỉnh ta còn tận dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đất rừng để phát triển mạnh ngành chăn nuôi gia súc có sừng như bò, dê, cừu với tổng đàn hiện có gần 250.000 con. Đặc biệt, với tiềm năng đất có khả năng đưa vào sản xuất nông nghiệp còn lớn và một số công trình thủy lợi đã được đầu tư trong thời gian qua đã tạo điều kiện để phát triển các loại cây trồng có năng suất, chất lượng cao và có khả năng sản xuất được nhiều vụ trong năm như: lúa, bắp, nho, mía, thuốc lá, mì, hành, tỏi, táo... Nhờ đó, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh tăng liên tục trong 5 năm liền; GDP trong ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 12,1%/năm. Giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác chủ động nước đạt 55 triệu đồng/ha. Tỷ trọng chăn nuôi chiếm 31%.
Nông dân thôn Triệu Phong, xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn thu hoạch mía.
Những nỗ lực trong việc khai thác có hiệu quả các tiềm năng nông nghiệp của tỉnh thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cân phân nhìn nhận, dù nông dân đã sản xuất được một số mặt hàng nông sản hàng hóa như: nho, mía, điều và các sản phẩm chăn nuôi như bò, dê, cừu nhưng đa phần được tiêu thụ nội tỉnh và mới đây có mở rộng tiêu thụ ở một số tỉnh, thành phố khác nhưng còn rất ít. Đơn cử như cây nho được xem là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, nhưng hiện nay chủ yếu vẫn phục vụ để ăn tươi. Một số loại cây công nghiệp khác như mía, mì... sản phẩm làm ra cũng chỉ đủ cung cấp một phần cho các nhà máy chế biến của tỉnh... Điều đó cho thấy việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở tỉnh ta vẫn chưa mạnh, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, ngành nghề nông thôn còn đầu tư ở mức độ nhỏ.
Hồ Tân Giang, cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất cho nông dân 2 huyện
Ninh Phước và Thuận Nam. Ảnh: Văn Miên
Để ngành Nông nghiệp ngày một phát triển theo hướng bền vững, trong định hướng tới, ngoài việc tranh thủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tỉnh ta sẽ triển khai đồng bộ các chương trình, dự án ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Tập trung xây dựng các chương trình, dự án có tính đột phá trong lâm, nông nghiệp, thủy sản như: các dự án phát triển thủy lợi, các dự án giống công nghệ cao, các dự án kêu gọi đầu tư trong sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm, nuôi trồng trên biển. Tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở rộng sản xuất các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như mì, mía, thuốc lá... Bên cạnh đó, tỉnh ta sẽ thực hiện đầu tư khai hoang phục hoá đất sản xuất gắn với đầu tư thâm canh, phát triển rộng rãi các hình thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng đàn gia súc.
Ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, ngoài việc phát triển hệ thống thuỷ lợi, giao thông nông thôn, công trình nước sạch, tỉnh ta sẽ có chính sách hỗ trợ về cơ giới hoá nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân trang bị máy móc trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản. Để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng các chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh kêu gọi và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản trên các khu công nghiệp, các dự án chăn nuôi và chế biến sản phẩm chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân trên 70%/năm. Trong đó, nông nghiệp tăng từ 6-7%/năm; thủy sản tăng 8,5%/năm; nâng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 60 triệu đồng/ha, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ lệ từ 35% đến 40%.
Trong các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định trước hết phải quan tâm rà soát và điều chỉnh quy hoạch tổng thể theo hướng khai thác các thế mạnh của địa phương, đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Trong đó, về chăn nuôi phối hợp với các ngành tìm kiếm thị trường và có giải pháp tiêu thụ thịt dê, cừu cho nông dân; khuyến khích và tạo điều kiện xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng lấy sữa. Về sản xuất nông nghiệp và thủy sản, tập trung xây dựng và nhân rộng các chương trình về chuyển giao khoa học-kỹ thuật với trọng tâm là chuyển giao các giống mới, kỹ thuật canh tác mới đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như: sản xuất nho, nuôi tôm thương phẩm, sản xuất tôm giống... theo hướng liên kết nông dân thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết với các doanh nghiệp, ưu tiên tạo đầu ra cho các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương như: nho, bông vải, điều, thuốc lá, bò, dê, cừu và sản xuất chế biến muối. Những giải pháp trên nhằm tạo bước đột phá trong việc chuyển tiềm năng thành cơ hội, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh ta phát triển mạnh theo hướng bền vững.
Văn Thanh