(NTO) Tính đến năm 2010, riêng về trồng trọt nông dân đã đưa trên 76.720 ha vào gieo trồng tăng 3,2% so với năm trước và sản lượng lương thực đã đạt trên 260.000 tấn, vượt xa con số hơn 180.000 tấn của 5 năm trước đó. Đây là bước phát triển khá nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất gắn với các mô hình sản xuất tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”; hình thành một số cánh đồng sản xuất giống chất lượng cao… Ngoài ra, bước đầu mối liên kết “4 nhà” đã phát huy được tác dụng ở một số cây trồng như mía, mì, lúa giống… Tuy nhiên, đánh giá một cách cân phân thì trong nông nghiệp nông thôn của tỉnh nói riêng vẫn còn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu bền vững.
Cụ thể là sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ. Thực tế ở nhiều địa phương đây đó vẫn có những nông hộ “tích tụ” một số diện tích ruộng đất dăm ba ha nhưng số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều cũng đáng nói là chưa có địa phương nào hình thành những cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở thực hiện “dồn điền đổi thửa” để vừa dễ dàng thực hiện cơ giới hóa, vừa sản xuất tập trung theo hướng gắn giống cây trồng với thị trường tiêu thụ nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, đồng thời tiết kiệm diện tích đất sản xuất từ chỗ “phá” các bờ vùng, bờ thửa của những đám ruộng nhỏ… Vấn đề cũng đáng quan tâm là tư duy kinh tế gắn sản xuất với thị trường của đại đa số nông dân còn chưa rõ nét; nhiều nông hộ còn chưa quan tâm đến thương hiệu hàng hóa nông sản; chạy theo lợi nhuận trước mắt mà bất chấp chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm làm ra… Với lối làm ăn như nêu trên vô hình trung đã tạo nên “rào cản” cho phát triển nông nghiệp, tác động đến thu nhập và việc làm cho lao động nông thôn.
Để tháo gỡ những “rào cản” đó yêu cầu đặt ra đầu tiên là sản xuất phải có kiến thức, có khoa học-kỹ thuật, có hạch toán kinh tế, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ bằng sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai, tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân đồng thời thường xuyên chia sẻ thông tin để giúp nông dân lựa chọn nghề phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân; phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và nhu cầu sử dụng của xã hội… Muốn vậy rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng liên quan, huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác quy hoạch nông thôn, quy hoạch các vùng sản xuất… Và cốt lõi vẫn là sự đồng bộ và quyết liệt trong thực hiện chính sách “tam nông” của tỉnh.
Tuấn Dũng