Điểm sáng nhất là xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 8,3 tỷ USD, cao hơn mức bình quân của 7 tháng 7,5 tỷ USD/tháng), đưa tổng kim ngạch 8 tháng ước đạt 60,8 tỷ USD.
Nếu 4 tháng cuối năm đạt bằng với mức bình quân 1 tháng trong 8 tháng (nếu không kể tái xuất vàng 2,5 tỷ USD, đạt xấp xỉ 7,3 tỷ USD), thì cả năm sẽ vượt qua mốc 89 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, vượt xa đỉnh điểm 72,2 tỷ USD của năm 2010.
Nguồn số liệu: Báo cáo tháng 8 của Tổng cục Thống kê
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu trong 8 tháng năm nay tăng rất cao, lên đến 33,7% - cao nhất trong nhiều năm qua, cao gấp gần 3,4 lần tốc độ tăng theo mục tiêu của cả năm, cao gấp nhiều lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng cao đạt được ở cả 2 khu vực: khu vực kinh tế trong nước đạt 28,1 tỷ USD, bằng 46,2% tổng số và tăng 32,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,7 tỷ USD, bằng 53,8% tổng số và tăng 34,7%.
Tăng trưởng đạt được ở hầu hết các mặt hàng, trong đó có nhiều mặt hàng tăng cao hơn tốc độ chung. Mới qua 8 tháng, đã có 15 mặt hàng có 17 thị trường có kim ngạch đạt từ 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng. Nhờ xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu, nên nhập siêu so với cùng kỳ năm trước đã giảm cả về kim ngạch tuyệt đối (từ 7,96 tỷ USD xuống 6,21 tỷ USD), cả về tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu (từ 17,5% xuống còn 10,2%). Tình hình này, cộng với việc chống đô la hóa đã góp phần ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ.
Một điểm sáng quan trọng là chỉ số sản xuất công nghiệp- ngành kinh tế thực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của toàn bộ nền kinh tế đã tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Với tốc độ tăng này, công nghiệp tiếp tục là đầu tàu, là động lực của tăng trưởng- đúng ra là công nghiệp cùng với nông nghiệp, hai ngành kinh tế thực lớn nhất sẽ góp phần vào việc ngăn chặn nguy cơ suy giảm tăng trưởng trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tiền tệ, trước sự bất ổn từ bên ngoài.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có tỷ trọng lớn nhất, tỷ trọng có tính chỉ báo quá trình chuyển từ nước nông nghiệp sang nước công nghiệp (có những nước có tỷ trọng công nghiệp rất lớn, nhưng không được gọi là nước công nghiệp, bởi chủ yếu là công nghiệp khai thác mỏ)- đã tăng ở mức 2 chữ số (10,7%), cao nhất trong 3 ngành công nghiệp. Ngành công nghiệp khai thác mỏ giảm 0,7%. Ngành công nghiệp sản xuất, phân phối, điện, nước, khí tăng khá (9,8%) đã góp phần hạn chế tình trạng mất điện, cắt điện luân phiên trong các năm trước.
Một điểm sáng khác là nguồn vốn FDI, tuy số đăng ký bị giảm 26%, nhưng số thực hiện vẫn đạt 7,3 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, là tín hiệu khả quan để cả năm có thể đạt trên 11 tỷ USD, tiếp tục cao hơn 2 năm trước, chỉ kém kỷ lục 11,5 tỷ USD của năm 2008.
Trong điều kiện thế giới chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, lại đứng trước khó khăn mới, thì đạt được như trên là đáng khích lệ.
Lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất (48,2%), tiếp đến là vào sản xuất, phân phối điện, nước, khí (26,4%), xây dựng (7%),…
Một điểm sáng nữa là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đạt 3,96 triệu lượt người, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách đông nhất đến từ Trung Quốc và có tốc độ tăng 47,8%, gấp 2,5 lần tốc độ chung; lượng khách đông thứ 5 là Campuchia, tăng cao nhất 67,3%…
Tháng 8 đạt 490 nghìn lượt người; nếu bình quân 4 tháng cuối năm đạt được mức này thì cả năm 2011 sẽ đạt trên 5,9 triệu lượt người; cao nhất từ trước tới nay. Xuất khẩu dịch vụ du lịch có thể đạt 5,3 tỷ USD, cao hơn kỷ lục 4,45 tỷ USD của năm 2010.
Nhìn tổng quát 8 tháng 2011 thì kinh tế thực duy trì được phong độ, kinh tế đối ngoại tăng khá cao.
Nguồn www.chinhphu.vn