Đối tượng áp dụng là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; người có đất thu hồi và chủ sở hữu cây trồng, vật nuôi gắn liền với đất thu hồi; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Nguyên tắc xác định bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh được quy định tại Điều 103 Luật Đất đai năm 2024.
Theo đó, đối với cây hoa (trừ hoa cúc), cây cảnh, thì được tính theo giá thực tế tại thời điểm kiểm kê, thu hồi đất.
Vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường. Vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại theo thực tế do phải thu hoạch sớm; trường hợp có thể di chuyển được thì bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra.
Đối với những loại cây trồng, vật nuôi là thủy sản chưa có trong Quyết định này, khi bồi thường thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khảo sát thực tế về chu kỳ sản xuất, năng suất, sản lượng và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thẩm định, lấy ý kiến thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) trước khi trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định phê duyệt mức bồi thường thiệt hại.
Đối với cây trồng trong chậu, cây trồng trong bầu ươm, cây trồng chưa thu hoạch và vật nuôi có thể di chuyển đến địa điểm khác thì đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ tình hình thực tế, xác định mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường thiệt hại do phải di chuyển gây ra (nếu có) gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thẩm định, lấy ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT trước khi trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định phê duyệt mức bồi thường chi phí di chuyển và mức bồi thường thiệt hại do phải di chuyển gây ra.
Đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng: Đối với cây trồng hằng năm, mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch đối với cây trồng đó. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của loại cây trồng đó tại địa phương và đơn giá bồi thường. Mức bồi thường cây hằng năm thấp nhất 5.000 đồng/cây; cao nhất 90.000 đồng/cây.
Đối với cây trồng lâu năm, mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây. Đối với cây lâu năm là loại cho thu hoạch nhiều lần mà đang trong thời kỳ thu hoạch thì mức bồi thường được tính bằng sản lượng vườn cây còn chưa thu hoạch tương ứng với số năm còn lại trong chu kỳ thu hoạch và đơn giá bồi thường. Mức bồi thường cây lâu năm thấp nhất 11.000 đồng/cây; cao nhất 2,556 triệu đồng/cây.
Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại theo thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại.
Đối với cây lâm nghiệp do cá nhân và tổ chức tự trồng mức bồi thường được tính theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây. Mức bồi thường cây lâm nghiệp thấp nhất 28.000 đồng/cây; cao nhất 125.000 đồng/cây.
Đối với cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng, quản lý, chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Phương pháp tính khối lượng gỗ, củi để bồi thường đối với cây lâm nghiệp căn cứ vào đường kính và chiều cao của thân cây theo Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng và theo quy định pháp luật hiện hành…
Đơn giá bồi thường vật nuôi là thủy sản: Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường. Đối với vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch trong điều kiện không thể di chuyển sang nơi khác để tiếp tục nuôi cho đến thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại theo quy định, giá trị bồi thường không bao gồm giá trị đầu tư ao, hồ nuôi. Mức bồi thường cây lâm nghiệp thấp nhất 6.000 đồng/m2; cao nhất 9,615 triệu đồng/m2.
Đối với vật nuôi là thủy sản tại thời điểm thu hồi đất mà có thể di chuyển đến nơi khác để tiếp tục nuôi cho đến thu hoạch thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại theo thực tế do phải di chuyển.
Bồi thường di dời vật nuôi trên cạn: Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ tình hình thực tế tại thời điểm kiểm kê, xác định mức bồi thường di dời đối với từng loại vật nuôi, từng trường hợp cụ thể khi Nhà nước thu hồi đất gửi cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện thẩm định, lấy ý kiến thống nhất của Sở NN&PTNT trước khi trình UBND cấp huyện xem xét, quyết định phê duyệt mức bồi thường chi phí di dời.
Ngoài ra, cũng quy định rõ đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Quyết định này.
Đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật về đất đai trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt; việc xử lý chi trả bồi thường chậm được thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm Nhà nước ban hành quyết định thu hồi đất.
Đối với dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì được áp dụng các chính sách có lợi hơn cho người có đất thu hồi đã được xác định tại khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/2/2025 và thay thế Quyết định số 59/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh ban hành bảng giá hoa màu, cây trồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Quyết định số 10/2022/QĐ-UBND ngày 4/4/2022 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 59/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh ban hành bảng giá hoa màu, cây trồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
B.H