Đột phá “ngành công nghiệp không khói”
Để từng bước đưa DL Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xuyên suốt nhiệm kỳ qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, biến tiềm năng, lợi thế và dư địa sẵn có thành động lực phát triển mạnh mẽ. Tập trung quy hoạch các khu, điểm DL để kêu gọi các thành phần kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển, nâng cấp đa dạng mới các loại hình, dịch vụ độc đáo; gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc như: DL nghỉ dưỡng biển; DL văn hóa lịch sử; DL sinh thái; DL nông nghiệp, nông thôn; DL golf; DL ẩm thực,... mang nét riêng của địa phương và có khả năng cạnh tranh cao, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Khu du lịch biển Bình Sơn - Ninh Chữ. Ảnh: T.D
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp DL, đến nay nhiều địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận đã lọt vào top “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL Việt Nam. Cá biệt, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn Khu nghỉ dưỡng Amanoi tại khu vực Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; hay cung đường biển Bình Tiên - Vĩnh Hy được cộng đồng “phượt” bình chọn là cung đường đẹp nhất Việt Nam...
Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, tăng 17,2% so cùng kỳ, đạt 106,3% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động DL ước đạt 3.890 tỷ đồng. Tổng lượng khách năm 2024 đã tiệm cận với mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU đề ra đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt. Thời gian lưu trú của khách ngày càng dài hơn, tỷ lệ du khách quay trở lại cao hơn. Không chỉ các doanh nghiệp lữ hành DL lớn của Việt Nam đều đưa khách hoặc ký kết với các doanh nghiệp DL địa phương để đưa khách trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận.

Du lịch trải nghiệm đồi cát Mũi Dinh (Thuận Nam). Ảnh Ngọc Diệp
Cùng với sự bùng nổ du khách, ngành DL ngày càng tăng cả quy mô và chất lượng, tổng số các dự án DL trên địa bàn tỉnh đến nay là 56 dự án/53.012,5 tỷ đồng, trong đó: 27 dự án/4.019,5 tỷ đồng đã đưa vào hoạt động, 19 dự án/42.324 tỷ đồng đang triển khai thi công và 10 dự án/6.669 tỷ đồng đang hoàn tất thủ tục pháp lý liên quan để thi công. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 213 cơ sở lưu trú DL với 4.706 phòng; trong đó cơ số phòng có quy mô chất lượng tương đương từ 3 sao trở lên chiếm khoảng 50%, cơ bản đáp ứng nhu cầu khi tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo quy mô cấp quốc gia và quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, cho biết: DL tăng trưởng đã tác động tích cực đến kinh tế - xã hội và người dân Ninh Thuận. DL phát triển giúp giải quyết nhiều việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Mặt khác, DL phát triển đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, các tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người dân có thể cảm thấy mình có cuộc sống sung túc hơn, văn minh, văn hóa hơn và nhất là được giao tiếp với nhiều du khách ở mọi miền. Đây là thành tựu rất lớn đối với tỉnh nhà vì DL đã góp phần làm cho đời sống của người dân không những phong phú hơn về văn hóa, tinh thần mà còn vững mạnh về kinh tế, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh.

Du khách tham quan Trang trại nho Ba Mọi (Ninh Phước). Ảnh Tiến Mạnh
Kinh tế mũi nhọn
Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Nhằm đảm bảo thực hiện đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU đề ra, tỉnh đang đẩy nhanh công tác quy hoạch các khu, điểm DL, khu nghỉ dưỡng gắn với tiềm năng, lợi thế. Hoàn thiện, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các khu DL như: Khu DL Vĩnh Hy, khu DL quốc gia Ninh Chữ, khu DL ven biển phía Nam, phân khu DL bãi biển Bình Sơn - Ninh Chữ quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná... đồng thời rà soát, bổ sung các điểm, khu DL của các huyện, thành phố. Tăng cường liên kết hợp tác phát triển DL với các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước; xây dựng, thiết lập chuỗi giá trị DL mang tầm thương hiệu quốc gia, góp phần mở rộng không gian DL, đa dạng, kết nối các sản phẩm liên vùng, tăng sức hấp dẫn điểm đến. Rà soát đánh giá cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DL, kịp thời điều chỉnh, bổ sung đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả và khả thi khi triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động DL; tập trung số hóa và khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu, quy trình quản lý, tổ chức hoạt động ngành DL; đẩy mạnh phương thức giao dịch thanh toán trực tuyến trong cung ứng, sử dụng các dịch vụ DL nhằm hỗ trợ và tăng tính trải nghiệm cho du khách.

Khu du lịch vịnh Vĩnh Hy (Ninh Hải) thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: H.Nguyệt
Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp DL xây dựng các sản phẩm DL mới, hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao; đặc biệt là khai thác phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển DL, tạo sản phẩm DL mang tính đặc thù riêng của Ninh Thuận. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hoạt động trong lĩnh vực DL và các lĩnh vực hoạt động bổ trợ cho DL theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; từng bước chuẩn hóa chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thực tế xã hội. Quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật DL; triển khai rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, gắn với phát triển DL bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến, quảng bá DL Ninh Thuận thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo; các kênh truyền thông, mạng xã hội; các sự kiện văn hóa, thể thao và DL trong và ngoài tỉnh... gắn phát triển DL trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đặc sắc, kết nối với các tuyến DL địa phương và quốc tế nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong năm 2024 đạt 3,4 triệu lượt, tăng 17,2% so cùng kỳ, đạt 106,3% so với kế hoạch; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.890 tỷ đồng. Tổng lượng khách năm 2024 đã tiệm cận với mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU đề ra đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt.
Xuân Bính