Thuận Bắc thực hiện hoá mục tiêu phát triển bằng những nghị quyết

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế các ngành kinh tế chủ lực, Huyện ủy, UBND huyện Thuận Bắc đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững, mang tới một mùa xuân tươi mới, tràn đầy hy vọng.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, Thuận Bắc là địa phương có nhiều tiềm năng và dư địa lớn trong phát triển ngành công nghiệp. Với mục tiêu khai thác hiệu quả điều kiện đất đai, Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 31/3/2022 về đẩy mạnh phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến và phát triển năng lượng tái tạo là động lực đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương. Cụ thể hóa nội dung nghị quyết, các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, tập trung rà soát, quy hoạch các khu vực có nhiều lợi thế, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, biến hàng trăm ha đất hoang hóa trở nên có giá trị. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 dự án điện năng lượng tái tạo, với công xuất 857MW, đã hòa lưới điện quốc gia 664MW, còn 193MW đang chờ cơ chế về giá điện. Một số dự án tại Khu công nghiệp Du Long cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo ra năng lực sản xuất mới như thú nhồi bông, may mặc, giá trị xuất khẩu ước đạt 10 triệu USD/năm; quy mô sản xuất đối với các sản phẩm có lợi thế như thạch rau câu, cát, đá, xi măng, xây dựng và hoạt động tiểu thủ công nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 21,5%, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động trên địa bàn.

Khu công nghiệp Du Long. Ảnh: Trần Duy

Cơ cấu nông, lâm nghiệp không ngừng tăng cả về quy mô, năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Đề án của UBND huyện về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Ngoài duy trì ổn định diện tích trồng lúa 6.500ha/năm, huyện còn hình thành các vùng sản xuất tập trung với một số cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và trình độ, tập quán canh tác của người dân như: Lúa, bắp lai, đậu xanh, mè, nha đam, măng tây, mãng cầu. Đặc biệt, chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, tiết kiệm nước ngày càng được nhân rộng, toàn huyện đã chuyển đổi được 246ha, cho hiệu quả kinh tế tăng 1,5-2 lần so với trồng lúa. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhìn nhận: Qua thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU, ý thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định từng bước được xóa bỏ, nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thúc đẩy giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác chủ động nước tưới đạt trên 106 triệu/ha/năm; quy mô tổng đàn vật nuôi tăng nhanh về số lượng, nhiều mô hình chăn nuôi như: Dê, cừu sinh sản, bò vỗ béo, heo đen bản địa, gà thả vườn được triển khai tại vùng đồng bào, miền núi phát huy hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Điện gió Trung Nam (Thuận Bắc). Ảnh: Anh Tuấn

Điểm nhấn phát triển trong vài năm trở lại đây, đó là thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại giai đoạn 2021-2025, từ nắm bắt cơ hội, tận dụng tốt các lợi thế về điều kiện tự nhiên, hệ thống giao thông kết nối xuyên suốt để phát triển ngành “công nghiệp không khói”, bước đầu đạt những kết quả tích cực, thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tại các địa danh, thắng cảnh nổi tiếng của huyện như: Biển Bình Tiên, Suối Tiên, Ba Hồ, tháp Hòa Lai... Đồng thời, huyện chủ động phối hợp cùng các sở, ngành của tỉnh thực hiện kêu gọi các thành phần kinh tế đến tìm hiểu và đầu tư vào các khu du lịch trên địa bàn. Đến nay, có 2 dự án Khu du lịch Natural Paradise Ninh Thuận tại xã Công Hải và dự án Khu du lịch cộng đồng Núi Chúa Village tại xã Bắc Sơn đi vào hoạt động; riêng Khu du lịch Bình Tiên đã đưa vào hoạt động hạng mục sân golf, ước thu hút khoảng 40.400 lượt khách đến tham quan, dã ngoại vào các dịp nghỉ lễ, Tết, dịp hè hằng năm.

Trong niềm phấn khởi bước sang năm mới, đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội trong năm 2024 tiếp tục duy trì và phát triển ổn định, giá trị sản xuất các ngành, tổng mức đầu tư toàn xã hội, thu ngân sách nhà nước tăng gấp nhiều lần. Đạt được kết quả trên là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của cấp trên, tinh thần đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trung tâm huyện Thuận Bắc. Ảnh: T.Thành

Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Thuận Bắc là trung tâm CN, năng lượng tái tạo và du lịch phía Bắc của tỉnh; là vùng phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị, phát triển đa ngành CN... Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đã xác định trong quy hoạch tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025, địa phương tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Chủ động phối hợp với sở, ngành trong công tác xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Với cách làm năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, huyện Thuận Bắc hôm nay có bước chuyển biến rõ rệt, cuộc sống của người dân thêm phần ấm no, hạnh phúc trong mùa xuân mới.




  

 
Lễ triển khai thi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái – giai đoạn 2
 
 
 
00:00
 
00:00