Là một trong 74 địa phương trên cả nước được thụ hưởng các chính sách của Nghị quyết 30a về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, sau 17 năm triển khai chương trình đã giúp nông thôn ở địa phương có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt hệ thống đường giao thông 9/9 xã được đầu tư hoàn chỉnh, tạo thuận lợi giao thương cho người dân. Cùng với đó, từ nguồn vốn của trung ương, tỉnh, huyện đã xây dựng trên 40 đập dâng, ao, hồ chứa nước và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công trình hồ chứa nước Sông Sắt, với dung tích 69 triệu m3 phát huy hiệu quả, đảm bảo nước tưới cho trên 1.800ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hồ chứa nước Sông Cái với dung tích gần 220 triệu m3 hoàn thành đưa vào vận hành được xem là “trái tim” của hệ thống thủy lợi của tỉnh. Đây là một trong những dự án trọng điểm, đa mục tiêu, phục vụ sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Bác Ái và tỉnh.

Nông dân Bác Ái chăm sóc dưa hấu. Ảnh: D.Anh
Đến thăm mô hình trồng lúa nước, trồng mía kết hợp chăn nuôi bò và làm dịch vụ nông nghiệp của gia đình ông Katơr Năng ở thôn Đồng Dày, xã Phước Trung mới thấy cách thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây. Ông Năng, cho biết: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây khó khăn do thiếu vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ ngày xã vận động bà con chuyển đổi cây trồng và được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay vốn phát triển kinh tế và nhờ nguồn nước từ hệ thống thủy lợi Tân Mỹ đưa về gia đình tôi đã quyết định cải tạo đất để sản xuất kết hợp chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn đến nay gia đình đã có trên 1,7ha đất sản xuất 3 vụ/năm và đàn bò phát triển lên 27 con, kinh tế gia đình đã ổn định, nhờ đó giúp gia đình đón Tết đầm ấm. Chia sẻ về sự phát triển của địa phương, đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung, phấn khởi: Trong những năm qua, được sự quan tâm của trung ương, tỉnh, huyện đã hỗ trợ đồng bộ các chương trình mục tiêu tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giúp xã triển khai thực hiện các dự án như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chăn nuôi bò, dê sinh sản; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống... Nhờ đó, KT-XH của địa phương đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%/năm.
Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng DTTS&MN, Quỹ “Vì người nghèo”... huyện Bác Ái đã hỗ trợ xây dựng hơn 3.700 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 500 hộ; đầu tư 10 công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn 9 xã; thực hiện dự án định canh, định cư tập trung giai đoạn 2021-2025 với 3 dự án/340 hộ và dự án định canh, định cư xen ghép 3 dự án/116 hộ. Đến nay, toàn huyện đã có 4.687 căn nhà được xây dựng kiên cố, đảm bảo đạt “3 cứng” theo quy định. Huyện đã đạt 5/9 tiêu chí nông thôn mới và bình quân mỗi xã đạt trên 13,67 tiêu chí nông thôn mới; tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động, giới thiệu việc làm cho trên 5.000 lao động, trong đó có 3.751 lao động là đồng bào DTTS đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và 20 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 100% xã đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ dưới 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Chất lượng giáo dục ở các cấp học và các loại hình giáo dục ngày càng phát triển theo hướng bền vững... Gia đình chị Chamaléa Thị Hương ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính, một trong những hộ được thụ hưởng chính sách trên, cho biết: Năm 2023, gia đình tôi nhận được 14 con cừu cái sinh sản và 1 con cừu đực giống từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, làm chuồng trại, trồng cỏ chăn nuôi nên đàn cừu phát triển tốt, đến nay tổng đàn đã tăng lên 32 con, kinh tế được cải thiện, năm nay gia đình sẽ đón Tết sung túc và đầm ấm.

Hồ Sông Cái (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên
Cùng với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, trên lĩnh vực phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Bác Ái đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Đến nay, huyện đã quy hoạch 3 vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại 3 xã: Phước Trung, Phước Tiến và Phước Thắng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất với các loại cây trồng, vật nuôi như: Mía, dưa lưới, dưa lê, rau sạch, bưởi da xanh, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ... Toàn huyện duy trì hoạt động 41 trang trại gồm: 24 trang trại chăn nuôi, 10 trang trại trồng trọt, 6 trang trại tổng hợp và 1 trang trại thủy sản, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. Tận dụng lợi thế vùng núi, diện tích đất tự nhiên rộng, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, huyện Bác Ái đã tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ thông qua các chương trình, dự án, xây dựng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Bác Ái đã triển khai nhiều giải pháp thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm khơi dậy tiềm năng các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Qua đánh giá, đến nay huyện đã được công nhận 4 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao (dưa lưới SunFarm, hạt điều Chapi, gạo Phước Chính) và 1 sản phẩm đạt 3 sao (rượu chuối mồ côi)...
Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến cuối năm 2024, toàn huyện có 20/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất 13,5%, đạt 104,1% kế hoạch; tổng diện tích gieo trồng 13.101ha, đạt 109,2%; tổng đàn gia súc 94.396 con, đạt 100,4%; thu ngân sách trên địa bàn 12,29 tỷ đồng, đạt 131,43%; thu nhập bình quân đầu người 26,7 triệu đồng/người/năm, đạt 107,2%; đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 20,7%...

Huyện Bác Ái hôm nay. Ảnh: Phan Bình
Đồng chí Phan Ninh Thuận, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tới, huyện tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đưa Bác Ái phát triển nhanh và bền vững, trọng tâm là: Tăng cường đổi mới, tích cực phát huy nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực xã hội, từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương để đẩy mạnh phát triển KT-XH; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; triển khai hiệu quả các chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, đồng thời tiếp tục thực hiện xây dựng, phát triển đô thị loại V tại xã Phước Đại giai đoạn 2021-2025; tập trung đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội đáp ứng tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đảm bảo an sinh xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...
Kha Hân