Đưa nông sản địa phương vươn ra “biển lớn”

Bằng cách biến những thách thức về khí hậu và thời tiết thành lợi thế, Ninh Thuận không chỉ được biết đến như thủ phủ của nho và táo, mà còn vươn lên phát triển nhiều loại nông sản giá trị cao, mang chất lượng đặc trưng và khác biệt. Với “tấm vé thông hành” là những chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP... nhiều loại nông sản của tỉnh Ninh Thuận như: Măng tây, nha đam, dưa lưới, hành tím,... từng bước tạo dựng được thương hiệu, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.

Từ xuất khẩu nông sản tươi

Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận tuyển chọn, đóng gói đơn hàng xuất khẩu.

Sau khi thành công trên thị trường nội địa, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận luôn “khao khát” chinh phục thị trường quốc tế. Mất một thời gian dài trăn trở nghiên cứu, năm 2022, công ty mới có đơn hàng xuất khẩu măng tây xanh tươi đầu tiên. Là doanh nghiệp đi đầu trong sản xuất, chế biến măng tây xanh tại địa phương, Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận hiện đang liên kết với 160 hộ dân, xây dựng 40ha vùng nguyên liệu theo hướng VietGAP với sản lượng 3 tấn/ngày. Trải lòng về hành trình đưa nông sản quê hương xuất khẩu, anh Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận cho biết: Thời gian đầu khi quyết định tìm cơ hội để xuất khẩu măng tây xanh, bản thân tôi và đội ngũ lãnh đạo công ty rất lo lắng vì các yêu cầu về xuất khẩu tại thị trường nước ngoài rất cao, năng lực kết nối tìm kiếm thị trường lại hạn chế. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cùng sự đồng hành, kết nối của các đơn vị chuyên môn, ngành nông nghiệp tỉnh, các đơn hàng măng tây xanh đã xuất khẩu thành công. Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu của công ty tập trung lớn vào thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với sản lượng khoảng hơn 1 tấn/ngày. Đơn hàng càng lớn, yêu cầu càng khắt khe, mỗi năm các thị trường xuất khẩu lại có những văn bản quy định tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm, đối với nông sản tươi thì các điều kiện càng nghiêm ngặt hơn. Vậy nên, khi liên kết với nông dân, đội ngũ kỹ thuật của công ty “cầm tay chỉ việc” cho người dân từ khâu ươm giống đến thu hoạch bảo đảm quy trình canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất độc hại để sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, các quy trình thu hoạch và đóng gói cũng được thực hiện nghiêm ngặt nhằm giữ nguyên độ tươi ngon và giá trị dinh dưỡng của măng tây. Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng diện tích thêm 20ha tập trung xã Phước Vinh (Ninh Phước), đồng thời mở rộng sang thị trường Nga. Chứng kiến không khí nhân viên tất bật tuyển chọn kỹ lưỡng từng búp măng tây xanh tươi non, chuẩn bị đóng gói xuất khẩu, chúng tôi càng hiểu rõ hơn ý nghĩa câu nói của anh Hữu Tuấn: Với tôi, kinh doanh không chỉ giúp thỏa mãn niềm đam mê, sáng tạo và khám phá những cơ hội mới để chinh phục bản thân trên con đường làm giàu, mà còn góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, hỗ trợ người nông dân trên mảnh đất đầy nắng gió này.

Đến xuất khẩu nông sản qua chế biến...

Vùng nguyên liệu nha đam được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Farm Nắng và Gió, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn).

Nắng xuân trải vàng lên những luống nha đam vươn mình mạnh mẽ, lá dày căng mọng tại Farm Nắng và Gió sẵn sàng mang đến những sản phẩm chất lượng cao. Được Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt trồng theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, nha đam Ninh Thuận không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn “xuất ngoại,” mang theo cả niềm tự hào của quê hương đầy nắng gió. Sở hữu chuỗi cung ứng khép kín từ cây giống đến tiêu thụ, cùng công nghệ nhân giống invitro, công ty sản xuất 3 triệu cây giống đạt chuẩn, giúp nha đam đạt năng suất lên đến 550 tấn/ha/năm. Với dây chuyền chế biến hiện đại, công ty đã xuất khẩu sản phẩm nha đam và thạch dừa đến hơn 20 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ... góp phần giải quyết việc làm cho 500 lao động địa phương, có thu nhập ổn định từ 8-10 triệu đồng/tháng.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên

Để tự tin bước ra “biển lớn” công ty đầu tư nhà máy với thiết bị, công nghệ hiện đại; triển khai một chuỗi quy trình sản xuất khép kín, phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tận dụng phế phẩm từ quá trình sản xuất để tạo phân bón hữu cơ, góp phần giảm thiểu rác thải và thúc đẩy chuỗi sản xuất thân thiện với môi trường... Đồng thời, chủ động vùng trồng nha đam và liên kết sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sinh học cho các nông hộ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và người dân. Năm 2022, sản phẩm nha đam Ninh Thuận ghi dấu ấn khi đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 triệu USD, “lên kệ” ở những vị trí bắt mắt nhất tại thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Kể về hành trình đưa nông sản địa phương “xuất ngoại”, anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết: Công ty chúng tôi luôn nỗ lực hết mình vì mục tiêu mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng, tự nhiên, an toàn, tốt cho sức khỏe. Hiện công ty liên kết với nông dân các huyện: Ninh Phước, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm trồng 250ha nha đam áp dụng công nghệ cao. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì góp thêm một sản phẩm made in Việt Nam vào bản đồ ẩm thực thế giới. Để thương hiệu phát triển bền vững, thời gian tới công ty tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm; mở rộng thị trường cũng như nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng; phấn đấu đến năm 2030, mở rộng vùng nguyên liệu lên 1.000ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Thuận tại hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch tỉnh Ninh Thuận tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: P.Bình

Hành trình xuất ngoại của măng tây xanh, nha đam, dưa lưới... là minh chứng rõ nét về tiềm năng của nông sản Ninh Thuận khi được chú trọng đầu tư và phát triển đúng hướng. Hy vọng trong tương lai, nhiều nông sản địa phương sẽ tiếp tục vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đây được coi là “hộ chiếu” tạo điều kiện thuận lợi để nông sản xuất khẩu. Thời gian qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung liên quan đến cấp MSVT, cơ sở đóng gói; hướng dẫn thiết lập vùng trồng, lập hồ sơ đề nghị cấp MSVT và tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp MSVT... đến các doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã. Riêng năm 2024, Chi cục đã cấp 27 MSVT cho các doanh nghiệp và hợp tác xã (12 mã số xuất khẩu và 15 mã số nội địa) với diện tích trên 106ha. Đến nay, toàn tỉnh có 57 MSVT gồm 23 mã số xuất khẩu và 34 mã số nội địa với nhiều loại nông sản phong phú như: Nho, táo, măng tây, nha đam, dưa hoàng kim, hành tím, bưởi... với tổng diện tích trên 391ha.



  

 
Lễ triển khai thi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái – giai đoạn 2