Điện hạt nhân vì tương lai phát triển xanh

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận. Ngay sau kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trực tiếp thị sát nơi được chọn xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam). Điều này cho thấy sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước một chủ trương lớn, đặt dấu mốc quan trọng về phát triển ĐHN của Việt Nam.

Sau khi Quốc hội đồng ý cho tái khởi động dự án ĐHN Ninh Thuận, người dân vùng dự án bày tỏ sự phấn khởi, đồng thuận cao; mong dự án sớm được triển khai với những giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất. Tại thôn Vĩnh Trường, nơi được quy hoạch xây dựng nhà máy ĐHN 1 với diện tích 440ha, người dân địa phương tỏ rõ niềm tin, sự háo hức khi biết tin Quốc hội và trung ương đã thống nhất cho tái khởi động dự án ĐHN. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng thôn Vĩnh Trường cho biết: Thôn Vĩnh Trường có khoảng 250 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu sau thời gian dài chờ đợi, nay Quốc hội có chủ trương thống nhất cho triển khai dự án ĐHN, người dân mong muốn dự án sớm được triển khai một cách đồng bộ, mang lại đời sống tốt đẹp hơn, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thay đổi diện mạo quê hương, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh và đất nước.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (Thuận Nam) nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), nơi được quy hoạch xậy dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2, sau khi nhận được tin vui, Quốc hội đã chính thức đồng ý tái khởi động đầu tư dự án ĐHN, người dân địa phương rất phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Mẫn, 62 tuổi, thôn Thái An chia sẻ: Bản thân gia đình ông, cũng như bà con mong muốn dự án sớm được triển khai. Khi thu hồi đất, cần có chính sách hỗ trợ định canh, định cư để người dân ổn định đời sống, có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ và duy trì được thế mạnh sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Theo UBND tỉnh, năm 2009, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận với tổng công suất 4.000MW, đây là dự án trọng điểm quốc gia có tác động lớn và có vai trò động lực quyết định đến phát triển KT-XH của tỉnh. Việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận đã tác động ảnh hưởng, làm phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế về năng lượng tái tạo (NLTT), tỉnh đã điều chỉnh chiến lược phát triển, đến nay, trên địa bàn có 57 dự án, với 3.750MW, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế của tỉnh. Khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án ĐHN, thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP về thực hiện một số chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh phát triển KT-XH, tỉnh đã triển khai phương án ổn định sản xuất đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và 2 với kinh phí 423 tỷ đồng để thực hiện đầu tư xây dựng 18 hạng mục công trình; đảm bảo đồng bộ kết nối liên thông với các khu vực quy hoạch mà tỉnh đã phê duyệt.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Phát triển ĐHN nhằm đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050, từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp ĐHN, có đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển KT-XH và tăng cường tiềm năng khoa học, công nghệ của đất nước. Do đó, UBND tỉnh rất đồng thuận về sự cần thiết nghiên cứu phát triển ĐHN Ninh Thuận. Tuy nhiên, để phát triển ĐHN, cần xác định lộ trình cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, nguồn lực đất đai tại 2 vị trí xây dựng nhà máy ĐHN và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu về ĐHN vừa qua. Kiến nghị các cơ quan thẩm quyền trung ương xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện bảo đảm hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho nhân dân khi triển khai chủ trương phát triển ĐHN tại Ninh Thuận. Xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật đầy đủ, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển ĐHN. Ninh Thuận có tiềm năng về phát triển năng lượng nói chung, trong đó có NLTT, được Chính phủ xác định là trung tâm NLTT của cả nước theo Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ. Tỉnh đã xác định năng lượng là ngành trụ cột quan trọng số 1 của tỉnh trong quy hoạch tỉnh. Do đó, tỉnh đã đề nghị Bộ Công Thương trong quá trình triển khai chiến lược phát triển ĐHN, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành “Trung tâm công nghiệp xanh, sạch” nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận, cũng như cho cả nước trong phát triển KT-XH.

Trong chuyến thị sát ngày 5/12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành nhiều thời gian làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân Ninh Thuận. Khi đi thị sát thực tế sát nơi được chọn xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các bộ, ngành, chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại dự án ĐHN Ninh Thuận. Trong đó, cần chủ động tập trung triển khai tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; khẩn trương đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, bố trí khu tái định canh, định cư nhằm ổn định đời sống của người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Cơ hội đã đến, điều kiện đã đủ, phương pháp đã có, tất cả đều phải rất khẩn trương, nếu không sẽ để lỡ cơ hội qua đi, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử, với nhân dân, với sự phát triển. Làm dự án ĐHN là cơ hội để nước ta phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp ĐHN toàn cầu, có thể học hỏi và làm chủ công nghệ hạt nhân của thế giới sau này. Đảng và Nhà nước sẽ phải đảm bảo lựa chọn những công nghệ hạt nhân tốt nhất, lựa chọn những đối tác tư vấn tốt nhất, đào tạo nguồn nhân lực quản lý tốt nhất để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả dự án năng lượng này của quốc gia, không chỉ vì thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ con cháu mai sau.




  

 
Lễ triển khai thi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái – giai đoạn 2
 
 
 
00:00
 
00:00