(NTO) Ngôi nhà khang trang vừa cất xong chính là công sức mà đôi bàn tay của người bệnh binh Nguyễn Ngọc Ẩn có tỷ lệ thương tật 51% này tạo nên. Lúc đầu, gia đình ông Nguyễn Ngọc Ẩn chỉ có 7 sào ruộng do địa phương cấp. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, theo dõi các chương trình khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, học tập kinh nghiệm từ bà con trong thôn nên ruộng lúa của ông vụ nào cũng đạt năng suất cao, trừ chi phí thu được trên 20 triệu đồng/vụ. Năm 2007, gia đình ông quyết định mua thêm một mẫu ruộng, hàng năm trồng 3 vụ lúa. Tổng thu nhập của gia đình ông tăng lên 40 triệu – 60 triệu đồng/vụ lúa. Gần đây, ông lại đầu tư vốn mua thêm bò sinh sản. Để tiết kiệm chi phí thức ăn cho bò, ông mạnh dạn đề nghị chính quyền địa phương cho phục hóa thêm 2 sào đất hoang để trồng cỏ nuôi bò. Đến nay, tổng đàn bò của ông lên đến 30 con. Ông Ẩn tâm sự: “Mặc dù trên người còn mang nhiều vết thương, sức khỏe suy giảm nhiều nhưng với bản lĩnh của anh bộ đội Cụ Hồ tôi vẫn tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế. Gia đình tôi trồng lúa kết hợp chăn nuôi bò nên kinh kế ngày càng ổn định hơn”. Kinh tế khấm khá ông có điều kiện nuôi con cái học hành thành đạt. Hiện 2 người con trai của ông đang học đại học và cao đẳng tại Tp.Hồ Chí Minh.
Không chỉ là tấm gương bệnh binh vượt khó vươn lên trong cuộc sống, ông Nguyễn Ngọc Ẩn còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đóng góp các quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, An ninh – quốc phòng… Ông cũng thường xuyên giúp đỡ bà con lối xóm trong việc truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng bệnh cho gia súc. Gia đình ông Nguyễn Ngọc Ẩn được chính quyền địa phương công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa và được biểu dương là Gia đình có công tiêu biểu.
Đức Minh