Dự báo này cũng tương đồng với các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB), qua đó ghi nhận nỗ lực và quyết tâm tăng trưởng của Việt Nam. ADB cho rằng, hoạt động thương mại mạnh mẽ, sự phục hồi của sản xuất chế biến chế tạo hàng xuất khẩu, cùng các biện pháp hỗ trợ tài khóa đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển, từ 5% xuống 4,9% trong năm 2024 và từ 4,9% xuống 4,8% trong năm 2025. Nguyên nhân chính là hiệu suất kém ở một số nền kinh tế và triển vọng tiêu dùng yếu. Bên cạnh đó, ADB cảnh báo rằng các chính sách thương mại, tài khóa và di cư của Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng và làm gia tăng lạm phát ở các quốc gia châu Á. Ngân hàng này cũng nhấn mạnh rằng hầu hết các tác động này có thể chỉ rõ ràng trong khung dự báo từ năm 2024 đến năm 2025.
Trụ sở Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại thành phố Mandaluyong, Philippine.
Nhưng bất chấp những lo lắng về một tương lai khó định đoán của nền kinh tế thế giới, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang được cải thiện và thị trường lao động duy trì sức mạnh. Những yếu tố này là cơ sở để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong tháng 12/2024, đưa lãi suất về mức 4,25-4,5%. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục thận trọng trước các chính sách kinh tế tiềm năng của Tổng thống đắc cử Trump và rất có thể sẽ chỉ có hai lần cắt giảm lãi suất vào năm 2025.
Trong tháng 12/2024, một sự kiện đáng chú ý tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đó là việc Trung Quốc quyết định quay lại chính sách tiền tệ “nới lỏng hợp lý” lần đầu tiên sau 14 năm.
Tuy nhiên, tình hình chính trị tại Hàn Quốc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước này, sau khi Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật vào đêm 3/12 và dỡ bỏ 6 giờ sau đó. Theo dự báo, kinh tế Hàn Quốc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm bất ổn chính trị trong nước và các rào cản thuế từ Mỹ, có thể tác động đến xuất khẩu.
Kết quả “Khảo sát triển vọng quản lý doanh nghiệp năm 2025” do Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc (KEF) tiến hành và công bố trong tháng 12/2024 cho thấy xu hướng chung trong năm 2025 là các doanh nghiệp nước này sẽ “thắt lưng buộc bụng”.
Tại châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức và Pháp, do khủng hoảng chính trị trong nước và nhu cầu toàn cầu suy yếu ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng của hai đầu tàu kinh tế Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của ông Andrea Coppola - Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính, và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - kinh tế toàn cầu đã ổn định trở lại trong năm 2024 với tốc độ tăng trưởng ước đạt 2,7%. Tuy nhiên, triển vọng năm 2025 vẫn đầy bất định, khi kinh tế thế giới đứng trước "một ngã rẽ khó đoán định", với nhiều biến động về chính trị và thương mại.
Theo TTXVN