Kết quả của hoạt động ngoại giao kinh tế này đã góp phần tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam và Singapore nâng tầm quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện dự kiến vào năm 2025. Phóng viên TTXVN tại Singapore đã có cuộc trao đổi với ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore xung quanh những kết quả cụ thể đạt được và những lĩnh vực thương mại mà hai bên cần tập trung thúc đẩy trong thời gian tới.
Đánh giá về hoạt động ngoại giao kinh tế Việt Nam-Singapore trong năm 2024, ông Cao Xuân Thắng cho biết 2024 là năm các hoạt động ngoại giao kinh tế diễn ra hết sức sôi động. Nhiều hình thức hoạt động phong phú và đa dạng được triển khai, từ cập nhật tình hình cơ chế chính sách tại địa bàn, đến trực tiếp dẫn đoàn các đối tác từ Singapore về Việt Nam, tổ chức các hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương, trưng bày hàng hóa tại các sự kiện, hội chợ triển lãm tại Singapore, hỗ trợ các địa phương xúc tiến trực tiếp tại địa bàn. Các hoạt động này đã góp phần truyền tải thông tin cập nhật về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, qua đó góp phần tăng thu hút đầu tư công nghiệp thương mại dịch vụ vào Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận đối tác tại địa bàn, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Ấn Độ và Thái Lan để trở thành đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore, với gần 33% thị phần. Năm 2024, Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản trở thành đối tác xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore, với thị phần khoảng 9,22%. Năm 2024 cũng là dấu mốc Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất, đạt 32,11% so với năm 2023. Nếu tính riêng xuất nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Singapore và xuất xứ Việt Nam, thì Việt Nam xuất siêu khoảng 1,5 tỷ SGD (tương đương 1,1 tỷ USD). Một kết quả được ghi nhận chung từ địa bàn là hàng hóa Việt Nam đang ngày càng được biết đến nhiều hơn và ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn. Đây không chỉ là kết quả của riêng các hoạt động trong năm 2024, mà là cả quá trình xúc tiến trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, khi nhìn nhận những điểm còn hạn chế trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-Singapore, ông Cao Xuân Thắng cho biết vẫn còn dư địa tốt cho hợp tác đầu tư công nghiệp, xuất nhập khẩu, dịch vụ với Singapore mà Việt Nam cần thúc đẩy. Ông Cao Xuân Thắng nhấn mạnh năm 2025, nền kinh tế toàn cầu và khu vực có thể sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới, trong đó có xung đột thương mại của một số nền kinh tế lớn. Đây cũng là cơ hội mà các doanh nghiệp nên tận dụng, nắm bắt xu thế chuyển dịch nguồn cung. Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nên tập trung thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu của sản phẩm, tăng sự hiện diện hàng hóa của Việt Nam tại các sự kiện, hội chợ triển lãm quốc tế; tập trung nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, quản lý chất lượng, giảm giá thành sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm,… để tăng khả năng cạnh tranh.
Ông Cao Xuân Thắng cho rằng Việt Nam nên tập trung thúc đẩy một số nhóm ngành hàng chủ yếu: Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao; đây hiện đang là nhóm hàng có tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Singapore. Nhóm các mặt hàng nông, lâm thủy sản, các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện môi trường, sản phẩm Halal, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Bên cạnh việc xúc tiến cho các sản phẩm truyền thống đã thâm nhập tốt thị trường Singapore, Việt Nam cũng cần chú trọng mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo TTXVN